Lãi suất USD đang tăng lên để đáp ứng nhu cầu vay của các doanh nghiệp. |
Ngân hàng Techcombank ngày 21/8 đã công bố điều chỉnh lãi suất tiết kiệm USD lĩnh lãi cuối kỳ với mức tăng khá mạnh. Cụ thể lãi suất ở kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,6%/năm, lên 5,2%/năm; 3 tháng tăng thêm 0,55%/năm, lên 5%/năm; Các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 12 tháng đều tăng thêm 0,45%/năm... Đây chỉ là một trong số hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần tăng lãi suất tiền gửi USD trong vòng hơn 1 tháng qua.
Trước đó, Sở giao dịch Vietcombank đã tăng lãi suất huy động USD ở tất cả các kỳ hạn từ 6 tháng đến 60 tháng. Lãi suất mới kỳ hạn 6 tháng là 4,65 %/năm (tăng 0,25 %/năm); 9 tháng: 4,755/năm (tăng 0,20 %/năm); 12 tháng và 18 tháng: 5 %/năm (tăng 0,15 %/năm); 24 và 30 tháng: 5,10% (tăng 0,20%/năm)...
Lãi suất USD của Ngân hàng Quốc tế (VIB Bank) từ đầu tháng 8 tăng từ 0,20-0,36%/năm theo từng kỳ hạn và mức tiền gửi. Đây là lần thứ hai trong năm, VIB Bank tăng lãi suất huy động tiết kiệm USD. NH An Bình (ABBank) tăng LS USD thông qua việc phát hành 15 triệu chứng chỉ tiền gửi USD ngắn hạn, với mức lãi suất dao động từ 4,45-5,50%/năm...
Ông Huỳnh Song Hào, Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP HCM, cho biết ngân hàng này cũng đang xem xét việc tăng thêm lãi suất huy động USD trong thời gian tới do nhu cầu về lượng USD đang tăng lên. Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp trong nước đang chuẩn bị nhập khẩu hàng hóa cho mùa tiêu thụ dịp lễ và cuối năm nên nhu cầu USD rất cao, ước tính, nhu cầu về USD trong những tháng cuối năm tăng lên khoảng 30% so với bình thường.
Song song với việc tăng lãi suất huy động USD, nhiều ngân hàng lại điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền đồng, mức giảm từ 0,36-0,6 %/năm. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết quy định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền đồng Việt Nam từ 5 lên 10% của Ngân hàng Nhà nước cũng như Chỉ thị 03 hạn chế cho vay chứng khoán đã khiến cho đầu ra của nhiều ngân hàng bị hạn chế.
Hơn nữa, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay chứng khoán vượt mức 3% trên tổng dư nợ còn đang phải tìm cách để giảm xuống theo quy định.Tất cả những điều đó khiến cho lượng tiền đồng tại các ngân hàng thương mại khá dồi dào. "Tiền trong kho còn nhiều thì lãi suất huy động đương nhiên phải giảm xuống thôi", vị tổng giám đốc này giải thích. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra hơn 100.000 tỷ đồng để mua vào gần 7 tỷ USD bổ sung dự trữ ngoại hối quốc gia trong những tháng đầu năm cũng khiến cho lượng tiền đồng trên thị trường gia tăng.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã rút được khoảng 82% lượng tiền bỏ ra ở trên và số còn lại dự kiến sẽ được rút hết khỏi thị trường từ nay đến cuối năm thông qua các công cụ của thị trường mở. Ông Hào cũng cho rằng mặc dù lãi suất tiền đồng đang giảm và thấp hơn tốc độ lạm phát của 6 tháng đầu năm nhưng người dân vẫn tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng. Bởi vì những kênh đầu tư khác hiện nay như thị trường chứng khoán, bất động sản hay vàng... đều đang diễn biến phức tạp, rủi ro cho nhà đầu tư. "Việc gửi tiền vào ngân hàng vẫn là kênh bảo toàn vốn an toàn nhất trong thời điểm hiện nay", ông Hào nhận định.
Trong thời gian qua, lãi suất tiền đồng luôn cao hơn USD nên người dân vẫn chủ yếu gửi tiết kiệm bằng tiền đồng, hiện xu hướng này vẫn chưa có gì thay đổi, cho dù tỷ giá USD/VND đã tăng gần 1% trong thời gian qua.
(Theo Thanh Niên)