![]() |
Bà Lilianett Ramirez đang chải lại đầu tóc để chuẩn bị đón chồng. Ảnh: AFP. |
Lần đầu tiên gặp sau hơn hai tháng lo lắng và phấp phỏng, việc đầu tiên bà Lilianett Ramirez sẽ làm là vỗ vào vai và hôn chồng. Đó là dự định khi bà Lilianett Ramirez gặp lại người chồng bị mắc kẹt dưới độ sâu 700 m suốt 69 ngày qua. Với bà, chuỗi ngày "ăn không ngon, ngủ không yên, bắt đầu từ lúc có người gõ cửa. Bà Ramirez không thể nhớ nổi có bao nhiêu tiếng gõ cửa muốn bà trả lời. Thế giới lúc đó được chia thành hai phần, trước và sau tiếng gõ cửa.
Hằng đêm, người phụ nữ này vẫn ngồi chờ chiếc xe tải đưa chồng về nhà. Rồi một ngày, bà lập cập bước ra cửa, chủ hầm mỏ đã đứng ngoài bậc, ngập ngừng khi báo tin, ông Mario Gomez đang mắc kẹt dưới lòng đất sâu. Người chủ lò không biết rõ liệu chồng bà còn sống hay đã chết. Đó là lúc 21h30. Bà Ramirez ngay lập tức mặc vội quần áo, nhảy lên chiếc Honda Civic và phóng thẳng tới hầm nơi chồng đang mắc kẹt. Một mình phóng xe trên con đường lộng gió, bà lái xe một đoạn đường dài và phải mất một tiếng mới tới nơi. 22h30, Ramirez có mặt tại hầm mỏ và "đóng đô" luôn tại đây.
![]() |
Thân nhân của các thợ mỏ mắc kẹt dưới hầm đang nóng lòng chờ người thân được đưa lên. Ảnh: CNN. |
Ngoại trừ một lần về nhà lấy thêm quần áo và vài ngày ốm, hầu như bà Ramirez "ở lì" tại khu vực mỏ trong hơn hai tháng qua cùng bốn cô con gái và bảy người cháu ngoại. Trong khi nhiều gia đình cũng có người thân mắc kẹt cắm trại ở khu mỏ chính có hàng rào cảnh sát, mẹ con bà chọn ngay vị trí lối vào mỏ. Bà Ramirez bảo, khu vực có hàng rào cảnh sát có bốn chiếc lều lớn trông giống như nhà tù. Hôm qua, trong lúc chờ đợi, vừa chải lại mái tóc rối bù bà vừa hồi hộp, run sợ. "Tôi phải trấn tĩnh bản thân bởi bất cứ lúc nào họ cũng có thể gọi", bà lo lắng. Ông Mario Gomez là thợ lớn tuổi nhất trong số những người kẹt dưới hầm. Ông bà lấy nhau đã 30 năm nay.
Lần đầu tiên gặp nhau, Ramirez mới 22 tuổi còn Mario đã 33. Chỉ vài giờ sau khi gặp tại bãi biển, Mario đã có cảm tình và hôn Ramirez. "Tôi vỗ vào người anh ấy. Mario đã nghĩ tôi dễ dãi", người phụ nữ này nhớ lại. Hai người chia tay khi ông Mario đi làm nhưng họ nối lại quan hệ lúc ông trở về và từ đó chẳng bao giờ xa nhau nữa. Giờ, ông Mario đã 63 tuổi còn bà Ramirez thì 52.
Ông Mario làm thợ mỏ từ năm 12 tuổi. Cái chết đột ngột của bố khiến cậu bé Mario buộc phải đi làm lấy tiền nuôi cả gia đình. Bà Ramirez cũng sinh ra trong một gia đình làm nghề mỏ. Lúc quyết định kết hôn với thợ mỏ, bà đã biết trước những rủi ro và cả cái ngày bất ngờ nhận được tin dữ. "Bố và hai anh trai tôi đều là thợ mỏ. Cuộc sống của những người thợ sống trong hầm lò cực khổ và nguy hiểm. Tôi biết điều đó nhưng tôi yêu anh ấy dù cho Mario có là ai chăng nữa", bà tâm sự.
Sau khi làm việc ở hầm San Jose được 10 năm, ông Mario tạm thời nghỉ việc đi lái taxi. Không lâu sau, cảm thấy công việc thật tẻ nhạt và nhàm chán, ông quyết định quay trở về với hầm. Ông bắt đầu làm việc trở lại cách đây khoảng một năm. Thời điểm đó, người đàn ông này luôn lo lắng về điều kiện của mỏ. Ông và các đồng nghiệp được thông báo có các vết nứt xuất hiện trong các đường hầm. Một ngày trước khi hầm bị sập, ông Mario nói với vợ rằng mình sợ đi làm.
Bà Ramirez muốn chồng từ bỏ công việc này và ông ấy đã hứa sẽ giải nghệ vào tháng 12 tới. Với người phụ nữ này, bà chưa bao giờ mất niềm tin rằng chồng và các đồng nghiệp của ông ấy vẫn còn sống. Hôm 22/8, chiếc máy khoan xác định được vị trí các thợ mỏ, que thăm dò đã đưa lên mặt đất hai mẩu giấy được gắn vào đó. Cả hai đều do ông Mario viết. Tờ đầu tiên có ghi thông điệp: "Chúng tôi vẫn ổn. Tất cả có 33 người". Tờ thứ hai thông báo: "Bất cứ lúc nào anh cũng nghĩ tới tất cả mọi người trong gia đình. Anh sẽ gặp lại em sớm và chúng ta sẽ lại hạnh phúc bên nhau".
Sau hơn hai tháng sống tại lò, bà Ramirez có thêm nhiều người bạn mới. Bà chưa bao giờ xem đây là nhà. "Đây không phải nơi thân quen của bạn. Khu hầm mỏ này khiến tôi có những giây phút đau khổ. Tóc, da và bàn tay tôi nứt nẻ và bỏng rát nhưng tất cả điều này không thành vấn đề bởi, như tôi đã nói, ở đây tôi được gần chồng mình".
Trong thời gian chờ đợi, bà Ramirez giết thời gian bằng cách trò chuyện cùng các gia đình khác hoặc dùng mẩu giấy nhỏ viết thư cho chồng. Viết xong, bà gập lại thành những hình vuông nhỏ xíu. Bà nói với chồng rằng mọi thứ sẽ khác và họ sẽ có một cuộc sống mới hoặc bà sẽ đợi tới khi nào gặp lại được ông. Hàng ngày, vào lúc 16h chiều, các nhân viên cứu hộ để những lá thư của người phụ nữ ấy trong chiếc túi bằng nhựa và gửi chúng xuống cho các thợ mỏ bị kẹt bên dưới.
Bà Ramirez vẫn đang đợi điện thoại của con gái đổ chuông, đó có thể là của các nhân viên cứu hộ. Họ sẽ nói với bà rằng: "Bà Lily (tên thân mật của bà Ramirez, bà phải tới đây ngay bây giờ". Và khi khoảnh khắc ấy tới, bà Ramirez sẽ chuẩn bị một bữa tiệc gia đình ngoài trời. Sau đó, bà sẽ đưa chồng tới nhà thờ để tạ ơn. Nhưng trước khi làm tất cả những việc này, bà nói mình sẽ hôn chồng trước đã.
Bình Minh