Khi phụ nữ Trung Quốc đối mặt với mác "ế" vì mãi chưa kiếm được tấm chồng, dịch vụ thuê bạn trai có cơ hội bùng nổ ở nước này. Dưới đây là câu chuyện của Sean, chàng trai mang hai dòng máu Mỹ-Trung, giả làm người yêu của kiến trúc sư thiết kế cảnh quan Celia.
Celia đứng ở góc phòng, cởi giày rồi xỏ đôi dép đi trong nhà vào chân. Chúng tôi chuẩn bị gặp bố mẹ nàng. Celia rất lo lắng và tôi cũng vậy. Tôi bắt đầu thấy hối hận với chuyến đi đến thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang. Lừa dối bố mẹ Celia để họ nghĩ rằng tôi là người yêu của con gái họ bỗng nhiên không giống một ý tưởng hay nữa.

Celia ngấp nghé 30 tuổi, có việc làm ổn định nhưng chưa kết hôn.
Trong khoảng một tuần hồi tháng 2, tôi giả làm bạn trai Celia. Nàng ngấp nghé 30 tuổi, có việc làm nhưng vẫn chưa kết hôn. Chuyện này có vẻ bình thường phải không? Tuy nhiên với nhiều người Trung Quốc, việc đó chẳng bình thường chút nào. Trong mắt họ, phụ nữ nên lấy chồng khi đã ngoài 20 tuổi. Những người không theo chuẩn mực ấy, giống như Celia, đều bị cho là "ế". Và không chỉ người lớn tuổi mới có suy nghĩ này.
Vậy tôi có mặt cùng Celia để làm gì?
Hãy để tôi bắt đầu bằng việc giải thích: đóng giả làm người yêu không phải nghề của tôi. Thực ra, tôi là người tổ chức sự kiện. Tôi biết Celia qua một người bạn chung của hai đứa. Mọi người gợi ý Celia nên thuê bạn trai để xoa dịu áp lực từ phía cha mẹ muốn con gái nhanh thành thân.
Với người Trung Quốc, năm mới là dịp duy nhất họ có thể gặp mặt đông đủ các thành viên trong gia đình. Mang bạn trai hoặc bạn gái về ra mắt vào dịp ấy sẽ rất phù hợp, giống như tuyên bố bạn đã đính ước.
Nhiều năm gần đây, tôi từng nghe không ít việc mọi người thuê bạn trai hoặc bạn gái về giới thiệu với gia đình, nhằm trì hoãn sức ép kết hôn. Trên Taobao, trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, còn có hẳn một mục dành để đăng tin thuê người yêu. Hiện mục đó đã đóng lại. Ngày nay, mọi việc đều thông qua mạng xã hội QQ. QQ giống như thị trường ngách.
Celia tỏ ra không thoải mái khi thuê một người lạ nên tôi được đề nghị tham gia. Cô ấy muốn "bạn trai" phải là người nàng biết và cảm thấy có thể phối hợp ăn ý. Vì không có kế hoạch gì cho dịp năm mới nên tôi đồng ý. Cả hai sau đó đi tàu về Cáp Nhĩ Tân.

Celia nhờ Sean đóng làm người yêu để về ra mắt gia đình.
Dọc đường, Celia và tôi cùng tập dượt kịch bản hai đứa gặp nhau thế nào, nàng thích màu đen, còn tôi không thích tôm hùm. Kế hoạch này cốt để bố mẹ Celia tin con gái vẫn ổn, cả công việc lẫn cuộc sống riêng.
Tôi khá bình tĩnh cho tới khoảng 15 phút trước khi gặp người thân của Celia. Khác với tôi, Celia ngay từ đầu đã tỏ ra lo lắng. Sự hào hứng ban đầu biến mất khiến nàng bắt đầu cảm thấy tội lỗi về việc cố gắng lừa dối gia đình và bạn bè. Dù vậy, Celia vẫn quyết tâm vượt qua mặc cảm đó.
Chúng tôi gặp bạn bè của Celia. Họ đoán ra ngay kịch bản của hai đứa chỉ trong vòng một, hai phút. Bố mẹ Celia cũng mất chưa đến 5 phút để phát hiện ra "có gì sai sai".
"Cậu ấy quá cao và đẹp trai so với con", mẹ Celia nhận xét. "Con phù hợp với một anh chàng thấp và trông đầy đặn hơn".
Tôi nghĩ, có lẽ Celia muốn bố mẹ nhận ra đây chỉ là màn kịch. Dù kế hoạch của hai đứa thất bại nhưng dường như không ai thấy khó chịu.
Tại sao mọi người vẫn gắng tìm người yêu giả để lừa gạt cha mẹ mình?
Tôi cho rằng Celia muốn phụ huynh không phải lo lắng về mình. Nàng muốn họ vui và an lòng. Quan niệm phụ nữ nên lập gia đình khi còn trẻ dường như ăn sâu vào trong văn hóa của người Trung Quốc. Tôi không chắc việc làm thế nào để xóa bỏ định kiến "ế" nhưng tôi nghĩ nên bắt đầu bằng việc quan tâm tới những vấn đề mà phụ nữ phải đối mặt.

Sean cùng Celia về Cáp Nhĩ Tân ra mắt gia đình.
Đàn ông Trung Quốc cũng muốn đưa bạn gái về nhà. Họ có thể không phải đối mặt với sức ép kết hôn nhiều như phái yếu nhưng tất cả các bậc phụ huynh đều muốn con cái mình ổn định và con cháu đề huề. Một người bạn hơn 20 tuổi nói với tôi rằng mẹ cứ nhất định bắt con tiết kiệm tiền để cưới vợ, dù anh ấy chưa có hứng thú với chuyện vợ con bây giờ.
Tôi gọi đùa anh bạn là "trai ế". Bạn tôi chẳng mấy thích thú với tên gọi ấy vì "ế" thường được dùng chủ yếu cho nữ. Với phụ nữ, hôn nhân phải được đặt hàng đầu rồi mới tới sự nghiệp, trong khi đàn ông lại xem sự nghiệp thành công là ưu tiên. Có vậy, họ mới lo được cho gia đình.
Còn Celia, cô chỉ muốn sự tự do: thoát khỏi kỳ vọng bị xã hội áp đặt, thoát khỏi sức ép kết hôn từ gia đình và tự do theo đuổi bất cứ con đường nào muốn đi.
Hà Phương
Theo Aljazeera