"Nửa đêm, có tin bệnh nhân mới chết, tôi lại đến bệnh viện, với sự hỗ trợ của các anh em, thay quần áo, tắm rửa cho xác chết để khâm liệm đúng giờ. Bệnh nhân chết vì AIDS nên cơ thể lở loét, bốc mùi khó chịu, làm xong thì trời vừa sáng", ông Nguyễn Văn Thanh, người trông nhà đại thể Bệnh viện 09 cho biết.
Nhà xác Bệnh viện 09 (Thanh Trì - Hà Nội) nơi ông Thanh đang công tác, rộng chừng 15 m2, ảm đạm, âm khí nặng nề. Những chiếc ván tắm cho người chết ngổn ngang, bàn thờ đặt giữa nhà xác, không khí tang thương. Đây chính là "phòng làm việc" của ông Thanh suốt nhiều năm trời. Căn phòng loang lổ độc hại này là nơi hàng trăm tử thi nằm đợi xử lý.
Theo lời ông Thanh, không hiểu vì sao các bệnh nhân đều chết lúc nửa đêm. Mỗi lần như thế, ông lại phải trốn vợ con ở nhà, tới "vật lộn" với xác chết. Hầu hết bệnh nhân đều không có người nhà, nên nhân viên nhà xác phải tự tay thay quần áo, đưa vào nhà xác, bó xác chờ khâm liệm. Đa số các bệnh nhân đều bị nhiễm AIDS, nên khi đưa vào nhà xác, người đã lở loét, bốc mùi rất khó chịu.
Nhà đại thể bệnh viện 09 nơi hàng trăm xác bệnh nhân AIDS được xử lý. |
Một trường hợp khi khâm liệm cho bệnh nhân AIDS tử vong được đưa xuống nhà xác, ông lấy tay vuốt mắt, mãi mà mắt tử thi không nhắm lại được. Ông Thanh vừa thay quần áo cho tử thi, vừa bị ám ảnh bởi đôi mắt trợn trừng, khi khâm liệm bằng quả trứng, bát cơm, vài lời khấn thì mới vuốt được mắt cho cái xác này. "Lúc đó tôi bủn rủn hết cả chân tay, về nhà nằm ngủ mà vẫn bị đôi mắt đó ám ảnh, đến giờ thi thoảng nghĩ lại vẫn cảm thấy kinh hãi", ông Thanh kể lại.
Trong cuốn sổ đã ngả màu năm tháng, danh sách những tử thi AIDS trong tay ông lại dài hơn. Con số đó đã lên tới hàng nghìn người. Mỗi một lần khâm liệm xác là một lần những câu chuyện hãi hùng cứ nhiều dần lên trong đầu óc ông. "Những hình ảnh đó ám ảnh tôi mỗi đêm hay khi ăn uống, nhưng muốn xóa đi mà nó lại cứ nhiều thêm", ông Thanh thở dài.
"Nếu làm sai một số nguyên tắc phòng hộ thì rất dễ bị lây nhiễm. Khi xử lý những tử thi của người bị nhiễm AIDS, chúng tôi được cơ quan Vệ sinh phòng dịch cấp thuốc sát trùng tử thi trước khi tiến hành khâm liệm và người chết cũng được bỏ vào bao ni lông để tránh tỏa hơi độc. Nhiều lúc đối mặt với tử thi cũng sợ lắm chứ, nhưng làm mãi thành quen", ông Thanh cho biết.
Công việc tiếp xúc với người chết, nhất là chết vì bị nhiễm AIDS không khiến ông cảm thấy buồn, trái lại ông cảm thấy mình đang làm những việc rất có ý nghĩa. "Cuộc sống luôn sắp xếp mỗi người một công việc, những tử thi kia họ cũng là con người, dù bị nhiễm AIDS hay không. Nhiều lúc nghĩ đến họ cũng cảm thấy thương tâm lắm.
Lúc sống không có người chăm sóc, khi chết đi cũng chẳng có người đưa tang. Dù khi sống họ đã sai lầm, nhưng khi chết đi họ đã phải trả giá cho những sai lầm đó, cần mang lại điều gì ý nghĩa để họ đỡ tủi thân khi về nơi chín suối".
Công việc tiếp xúc với người chết, nhất là chết vì bị nhiễm AIDS không khiến ông Thanh cảm thấy buồn, trái lại ông cảm thấy mình đang làm những việc rất có ý nghĩa. |
Xử lý tử thi không làm ông sợ, thế nhưng ông lại sợ con mình biết nghề của bố, rồi sợ bạn bè con dị nghị việc bố đang làm. Đó là nỗi khổ tâm lớn nhất của người đàn ông tuổi lục tuần này: "Từ khi làm việc ở đây vào năm 2004, chỉ có vợ tôi biết, ngoài ra không dám cho con cháu biết mình làm nghề gì, có chăng chỉ biết bố làm trong bệnh viện. Cũng bởi sự kỳ thị với bệnh AIDS quá lớn, nên những người làm nghề xử lý tử thi AIDS cũng phải giấu mình", ông Thanh cho biết.
"Tiếp xúc nhiều với tử thi, nhiều lúc trong lòng tôi cũng trống trải như "bãi tha ma" bởi những nỗi niềm. Nhiều khi, nửa đêm đang yên giấc, chuông điện thoại reo, biết là có tử thi vừa đưa vào nhà xác, tôi lại lén lút trốn vợ con đến viện để cùng đồng nghiệp "đánh vật" với xác chết đến khi trời sáng", ông Thanh chia sẻ.
Hiện tại Bệnh viện 09 đang điều trị nội trú cho trên 60 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, chưa kể mỗi tháng có thêm khoảng 70-100 người đến khám, lấy thuốc điều trị. Bệnh nhân đến đây điều trị đều nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, không những thế, họ còn mắc thêm những bệnh hiểm nghèo khác, như lao, gan, hạch... Các gia đình đưa người bệnh vào đây điều trị, hầu hết không quay trở lại thăm nom mà phó thác cho bệnh viện, khi bệnh nhân qua đời, bệnh viện cũng phải tự làm các thủ tục, tổ chức mai táng cho bệnh nhân.
Ông tâm niệm, hầu hết bệnh nhân đều một thời lầm lỗi. Họ từng làm tan nát hạnh phúc gia đình, từng khiến bao nhiêu người lâm cảnh bất hạnh. Khi điều trị trong viện, họ mới nhận ra những điều ý nghĩa của cuộc sống. Bệnh nhân nào trước khi chết cũng đều ngỏ ý được người thân đưa về…
Trường hợp như Hải, trước khi chết, bệnh nhân đã gửi gắm nguyện vọng là được an táng ở quê hương, bên phần mộ tổ tiên nhưng cuối cùng người thân của bệnh nhân này không đến nhận. Bệnh viện lại làm thủ tục an táng như những bệnh nhân khác. Không chỉ riêng bệnh nhân Hải, mà đa số các bệnh nhân ở đây trước khi nhắm mắt xuôi tay đều có tâm niệm như vậy. Nhưng một năm trong số hàng trăm bệnh nhân, cũng chỉ có một, hai trường hợp được người nhà tới nhận mà thôi.
"Có trường hợp, chúng tôi đang tổ chức khâm liệm, làm thủ tục đưa bệnh nhân đã chết đi hỏa táng, người nhà bệnh nhân có đến nhưng đứng ở cổng viện. Một lúc sau, họ ra về mà không nhìn mặt con mình một lần. Dù mắc bệnh gì đi nữa, lỗi lầm gì đi nữa, thì khi chết đi, bệnh nhân vẫn là con người, sao lại vô cảm như thế", ông Nguyễn Văn Thanh buồn rầu.
Theo Kiến Thức