Sau khi xe cấp cứu mang biển số tỉnh Quảng Nam chở thi thể tài xế Lê Ngọc Cường về quê, người dân thôn Tây Phú (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) tìm đến nhà nạn nhân chia buồn. Trong mắt người dân nơi đây, Cường là một chàng trai ngoan, không rượu chè cờ bạc, biết tu chí làm ăn.
Nghe tin Cường gặp nạn với đoàn rước dâu làng Lương Điền (Hải Sơn, Quảng Trị) khuya 30/7, người dân tại đây không khỏi bàng hoàng và thương tiếc. Tài xế Cường ra đi để lại vợ và hai đứa con thơ mới 3 tuổi và 1 tuổi.
Ông Lê Hứa, bác ruột của Cường, cho hay trước khi chở đoàn rước dâu đi Bình Định, chiều 29/7, tài xế này có chở khách từ Huế vào Đà Nẵng ăn cưới, quãng đường 200 km cả đi cả về.
"Sau khi quay về từ Đà Nẵng, khoảng 23h ngày 29/7, Cường ra Quảng Trị chở đoàn đi Bình Định rước dâu. Công việc hàng ngày của Cường là nhận và chở các đoàn khách, đặc biệt là đón chở khách đi đám cưới, tham quan", ông Hứa nói.
Theo ông Hứa, hai năm trước, nhận thấy dịch vụ thuê xe đám cưới và chở khách đi tham quan ở địa phương còn thiếu, Cường đã mua lại xe ông Chẩn, nơi Cường lái xe thuê, để làm ăn riêng. Sau khi mua xe, có người đặt xe là Cường nhận đi ngay, bất kể chạy đường dài hay đường ngắn. Nhiều lần Cường cũng chở khách từ Huế ra Nghệ An.
Có mặt tại nhà Cường, ông Phạm Bá Chẩn, chủ cũ của Cường, kể anh rất chịu khó làm ăn. Chỉ vài tiếng trước khi tài xế này gặp nạn ở Quảng Nam, ông cũng gặp anh chở khách vào Đà Nẵng.
"Khoảng 15h30 ngày 29/7, khi chở khách từ Đà Nẵng ra Huế, tôi gặp Cường tại trạm thu phí hầm Phước Tượng Phú Gia ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc). Lúc đó, tôi có gọi điện thoại nói chuyện và Cường nói đưa khách vào Đà Nẵng rồi lại ra Huế chở đoàn khác. Ai ngờ, Cường nhận chở khách đi Bình Định rồi gặp nạn", ông Chẩn xót xa.
Theo ông Chẩn, ôtô Cường lái là chiếc xe ông bán cho anh với giá 228 triệu đồng. Do Cường lái xe thuê cho ông lâu năm, lúc bán xe, hai người chỉ sang tay và có người làm chứng.
Do vậy, Sở GTVT Thừa Thiên - Huế xác định chủ phương tiện gặp nạn là ông Phạm Bá Chẩn. Xe Mercedes sản xuất năm 2004, đăng kiểm ngày 2/4/2018 và hạn đến 1/10/2018 tại Trạm đăng kiểm 7401S, Quảng Trị. Xe không đăng ký kinh doanh dịch vụ.
Ông Chẩn nói thời điểm ông bán cho Cường là xe màu bạc, sau đó thấy xe màu trắng, ông cho rằng anh đã sang tên đổi chủ cho phương tiện mà không hỏi lại. "Sau khi bán xe, tôi có chỉ dẫn Cường đi làm các thủ tục sang tên đổi chủ nhưng vì bận làm ăn nên có lẽ cậu ấy chưa đi", ông Chẩn phỏng đoán.
Trưa 30/7, sau khi làm việc với lực lượng chức năng tại hiện trường, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định nguyên nhân tai nạn bước đầu "có yếu tố chủ quan của tài xế xe khách". Theo ông, tài xế không làm cho doanh nghiệp chuyên về vận tải đường dài trong khi quãng đường từ Quảng Trị vào Bình Định hàng trăm cây số, xe lại khởi hành ban đêm.
"Có thể tài xế chưa quen chạy đường trường. Theo lời nhân chứng, khả năng tài xế xe đón dâu ngủ gật vì xe này đã loạng choạng trước lúc đấu đầu với xe container. Còn xe container lúc đó đã giảm tốc độ xuống còn 51 km/h", ông Thể nói. Ông cũng cho biết thời gian tới Bộ sẽ đẩy mạnh kiểm tra xe hợp đồng.
Trước đó, hơn 2h sáng ngày 30/7, tài xế Lê Ngọc Cường (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) điều khiển ôtô 16 chỗ chở đoàn đón dâu từ Quảng Trị vào tỉnh Bình Định. Khi đến xã Điện Minh (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), ôtô bất ngờ đấu đầu với xe container biển TP HCM. Vụ tai nạn làm 13 người chết, 4 người bị thương nặng. Trong đó, 12 nạn nhân tử vong ở làng Lương Điền (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) và nhiều người trong cùng một dòng họ.
Võ Thạnh