“Khôn ba năm, dại một giờ”...
Hầu hết nam nữ tuổi mới lớn ở vùng nông thôn đều nói rằng họ hiểu biết ít về tình dục. Nhưng họ sẵn sàng kể ra một vài trường hợp ở làng trên, xóm dưới có người này, người nọ đã “ăn cơm trước kẻng”- Quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Nhiều thanh niên vùng quê cho rằng, nam nữ chưa kết hôn mà có “chuyện ấy” là không thể chấp nhận được. Nhiều người khác thì khẳng định ở các vùng nông thôn, hiện tượng quan hệ tình dục đã có xu hướng dễ dãi hơn, một phần do tác động của lối sống thành thị khi văn hóa giải trí ngày càng được thu hẹp khoảng cách. Xu hướng này tiếp tục tăng, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn phát triển.
Theo tập quán của người Việt Nam, chỉ sau lễ cưới truyền thống mới vợ chồng mới bắt đầu có hoạt động tình dục. Do vậy, quan hệ tình dục trước khi cưới là đi ngược lại tập quán và truyền thống.
Trinh tiết có mối liên quan chặt chẽ với đức hạnh của người phụ nữ. Mất trinh tiết bị coi là mất danh dự, mất đạo đức, mất đi sự đoan chính. Sự mất trinh tiết có thể là nguyên nhân dẫn tới đổ vỡ hôn nhân, hoặc làm cho gia đình thiếu hạnh phúc, tạo ra sự dằn vặt, đau khổ kéo dài trong cuộc sống vợ chồng. Trinh tiết vẫn được coi là điều “thiêng liêng” và đặc biệt giá trị ở các vùng nông thôn nước ta.
Trong thực tế, nam giới nông thôn ít bị nhắc tới hoặc qui trách nhiệm trong quan hệ tình dục tiền hôn nhân, chỉ có các cô gái là phải chịu hậu quả nặng nề. Hầu hết trong các mối quan hệ tình dục trên, các đối tượng đều không có sự chuẩn bị và thường xảy ra trong “giây phút mê muội” mà không được tiên liệu về hậu quả.
Lo sợ lớn nhất của việc có thai trước hôn nhân ở vùng nông thôn chính là từ phản ứng của cộng đồng làng xã. Hầu hết thanh niên nông thôn đều đồng ý: Trong trường hợp có thai ngoài ý muốn, phụ nữ phải chịu thiệt thòi rất nhiều. Đặc biệt là mối quan hệ đó không đi tới hôn nhân, tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả cô gái khó hy vọng kiếm được một người chồng như ý. Ngược lại, người đàn ông vẫn có thể tìm được một cô vợ mới và tận hưởng hạnh phúc.
Cưới... “chạy bầu”
Gia đình chị Phạm Thị H. ở xã VC (Bình Định) làm đám cưới cho con gái mới 17 tuổi. Chị H. phải cắn răng nghe bao lời dèm pha: “Trẻ thế mà đã lên chức mẹ vợ”. “Sắp có cháu bế, cháu bồng, thật là có phúc”... Nhưng sau khi nghe chị tâm sự mới thấy chị có cách nhìn rất giản đơn về chuyện trăm năm của con gái. Chị có ba cô con gái. Sớm tiễn được đứa nào đi hay đứa ấy, biết thế nào mà chờ kén với chọn. Nghĩ vậy nên chị vận dụng ngay với cô con gái N.M. mới 17 tuổi. Cô bé mới bỏ học lớp 9 ở nhà giúp mẹ. Ấy thế mà khi có người đến hỏi, chị gả liền, mặc dù con gái còn rất trẻ con, chưa thạo việc gì.
Chú rể là Nguyễn Văn T., cũng mới 19 tuổi. Cậu ta mê N.M. chỉ vì: “Nàng có đôi mắt đen u sầu và có dáng ngồi xe máy hết ý!”. Gia đình T. mở hiệu buôn bán tạp hóa duy nhất ở làng nên có của ăn của để. Cậu ta lại là con trai một, ham chơi hơn ham làm việc, thỉnh thoảng lại giở trò “dỗi kiểu cậu ấm” với bố mẹ. Cậu ta đòi bố mẹ cưới vợ, bố mẹ cậu cũng tắc lưỡi: “Thôi thì cưới cho xong”. Thế là đám cưới đôi trai gái “non thanh niên, già thiếu niên” ấy được tổ chức.
Lại có trường hợp đám cưới để cứu “cái sự đã rồi”. Đó là đám cưới của cô thôn nữ Th. Mẹ cô bỏ rơi bố con cô vào lúc cô tròn 16 tuổi, đang cần có sự dạy bảo của người mẹ trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Th. buồn chán nên khi gặp Hoàng, một cậu học sinh vừa tốt nghiệp PTTH chưa có việc làm, hai người đem lòng yêu nhau, cùng rong chơi tối ngày. Có hôm bố Th. hoảng hốt nhờ hàng xóm tìm giúp vì cô “đi qua đêm không về”. Đến lúc bà hàng xóm bảo rằng: “Ông giục thằng Hoàng làm đám cưới đi, con Th. nó đã có bầu được hơn 4 tháng rồi”, thì ông mới biết mình đã ở cái thế của sự đã rồi. Đám cưới của Th. và Hoàng tiến hành sau đó một tuần.
Trường hợp cặp vợ chồng Nguyễn Huy T. và N.M. nói trên thì hầu như cả hai chưa hiểu hạnh phúc gia đình là gì? Thế nào là vợ? Thế nào là chồng? Rồi làm bố, làm mẹ ra sao? Khi N.M. mang bầu, có người khuyên đi khám thai định kỳ, thì T. mắng vợ: “Làm sao phải khám? Có ngày vào thì khắc có ngày ra !”.
Đến ngày N.M. phải mổ ở bệnh viện. Khi cần có chữ ký của người chồng để tiến hành ca mổ, mọi người phải bổ nhào đi tìm và cuối cùng mới lần ra được T. đang cùng bạn đi bắn chim ở trên núi.
Chưa kịp lớn, chưa có kiến thức về gia đình, nên vợ chồng T. hoàn toàn ỷ lại vào bố mẹ. Chịu không nổi cảnh “vợ chồng trẻ con” nay dỗi, mai hờn, lại chẳng có nghề nghiệp, bố mẹ T. đành “sống chết mặc bay”. Thế là N.M. bế con bỏ về nhà mẹ đẻ.
Chị H. giờ đây “ngậm bồ hòn làm ngọt”, cưu mang và hàn gắn vết rạn của cái gia đình trẻ con này... Nhưng những cố gắng của chị cũng vô hiệu. T ngày càng thiếu trách nhiệm với vợ con và hỗn láo với bố mẹ. T. yêu cầu ly hôn. N.M. đồng ý. Thế là tan một cuộc hôn nhân kiểu “tảo hôn”.
Cặp vợ chồng Th. và Hoàng lại có những bất hạnh khác. Sau khi về nhà chồng được 5 tháng, Th. sinh con trai, nhưng thằng bé có những khuyết điểm không bình thường về hình hài. Bác sĩ nói đó là do Th. nén bụng quá lâu. Nhìn con, Th. không kìm được tiếng thở dài. Nhưng nỗi buồn ấy một, thì nỗi chán chồng gấp mười.
Hoàng không có việc làm, lại thấy vợ ngày càng xanh xao gầy yếu và xấu xí hơn trước nên chỉ biết lao vào cờ bạc, rượu chè... đến tận lúc gán cái xe đạp của vợ vào sòng bạc thì cô vợ không chịu được, bế con trở về với bố của mình. Cô không biết trách ai, chỉ hận người chồng sao quá phũ phàng. Có lần bố cô đề cập đến chuyện đoàn tụ với chồng, cô chỉ thở dài nói: “Lấy chồng trẻ mà cờ bạc, bất hạnh lắm bố ơi”.
Hiện nay, việc quan hệ tình dục trước hôn nhân ở vùng nông thôn thường dẫn đến việc tăng số lượng phụ nữ có thai trong ngày cưới và một bộ phận các cô gái chưa kết hôn phải nạo phá thai. Nạo phá thai được xem là cách lựa chọn “tối ưu” để giải quyết “hậu quả”? Dường như thanh, thiếu niên nông thôn chưa quan tâm tới hậu quả xấu đối với sức khỏe ở những trường hợp nạo phá thai nhiều lần...
(Theo Gia Đình Xã Hội)