Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. |
Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Địa chất - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã vào cuộc và đưa ra kết quả không thể không quan tâm.
Đoạn đường Pháp Vân - Cầu Giẽ mới đưa vào sử dụng hơn 3 năm nhưng các vụ tai nạn có nguyên nhân tự đâm vào dải tôn sóng đã cướp đi sinh mạng và làm bị thương 50 người, lớn hơn nhiều so với các tuyến đường khác có cùng mật độ giao thông.
Theo thống kê của lực lượng công an, từ đầu năm 2005 trên tuyến cao tốc này thuộc địa bàn huyện Thường Tín, Hà Tây đã xảy ra 14 vụ TNGT nghiêm trọng, làm 20 người chết và 3 người bị thương.
Theo kỹ sư Vũ Bằng, nếu các vụ TNGT không bắt nguồn từ những nguyên nhân nhìn thấy, thì theo kinh nghiệm ở một số nước phát triển như Đức, Hà Lan, Ba Lan... nó có nguyên nhân từ trường địa điện từ trong lòng đất nơi con đường đi qua. Vậy trường địa điện từ là gì? Nó có ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe con người?
Kỹ sư Vũ Bằng cho biết, trường đó dân gian gọi là tia đất, ảnh hưởng tới sức khỏe con người cả tích cực lẫn tiêu cực. Trường tích cực là trường tác động làm cho con người khỏe mạnh. Nó được bức xạ bởi những khoáng vật, những tầng đất đá có tích điện (mang lại ion âm) có thể xác định được để vận dụng chọn đất làm nhà hay nhiều việc khác vì sức khoẻ con người.
Còn trường tiêu cực dân gian gọi là "hung khí", "ác khí". Nhà khoa học gọi là ác xạ (tức bức xạ độc hại). Loại này hình thành do sự phóng xạ trong lòng đất mà chủ yếu là xạ khí chất Radon, thứ cấp của phóng xạ Uraniom đi qua vết đứt gãy trong lòng đất rồi lẫn vào không khí trên mặt đất.
Nếu nồng độ phóng xạ lớn ta gọi là dị thường có tác hại đáng kể đối với cơ thể con người, nhất là hoạt động của bộ não. Nó còn hình thành do sự bức xạ dòng nước ngầm bên dưới tạo ra pin điện hoá và trường địa điện từ phân ly tạo ra các ion (chủ yếu là ion dương) rất tác hại tới sức khỏe con người.
Các chuyên gia đã khảo sát toàn bộ tuyến đường này bằng thiết bị ăng ten vạn năng theo phương pháp trường địa điện từ. Kết quả cho thấy, từ km8 đoạn Pháp Vân tiếp giáp Hà Tây đi tiếp trên 1km về phía Nam đã xuất hiện trường bằng lực tác động và làm biến dạng dụng cụ đo. Từ km12 đến km15, trường này xuất hiện trở lại.
Đặc biệt, từ km17+500 đến khu vực tiếp giáp huyện Phú Xuyên (km24+500) thì sức của trường rất lớn, các thông số tác động vào thiết bị đo bị quay tròn với góc lớn hơn 360 độ. Quay ngược lại tiếp tục đo cũng cho kết quả tương tự.
Kết quả cho thấy những khu vực sức của trường mạnh thì mật độ các vụ tai nạn dày hơn.
Đây có lẽ chưa phải là kết luận hoàn chỉnh về nguyên nhân các vụ tai nạn. Còn nhiều giả thiết đặt ra xung quanh những vụ tai nạn này, chẳng hạn như tại đường xấu, sức gió mạnh, vấp vào chướng ngại vật... Hoặc một số nhà quản lý giao thông cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ việc số lượng cầu dân sinh trên tuyến đường phát sinh gấp hai lần (54 tuyến) so với thiết kế ban đầu (20 tuyến).
Nhưng có một điều khá thuyết phục là bằng phương pháp này, các nhà khoa học đã ứng dụng tìm được nguồn nước tại những vùng nước khan hiếm như ở Mộc Châu (Sơn La) phục vụ nông trường và khu dân cư. Đặc biệt đã tìm thấy nước trên độ cao hơn 600m so với mặt biển tại hai xã Ngọc Lân, Ngọc Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình gây sự chú ý trong công luận.
Theo các chuyên gia Viện Địa chất - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thì đây là phương pháp mới cần phải tiếp tục hoàn thiện, nghiệm thu đề tài để ứng dụng vào thực tiễn.
(Theo Công An Nhân Dân)