Ngày 6/11, nữ bệnh nhân tới khoa Tai mũi họng Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, để khắc phục phần vành tai bị biến dạng, co rúm. Bệnh nhân cho biết khoảng hơn hai tháng trước, cô đi bấm lỗ tai ở phần sụn. Sau khi về nhà, vết bấm bị nhiễm trùng nặng, dẫn đến hoại tử. Khi vết thương lành, phần tai lại trở nên dị dạng khác thường.
Bác sĩ Uông Hồng Hợp, phụ trách chuyên khoa Tai mũi họng của bệnh viện, chẩn đoán bệnh nhân bị viêm sụn vành tai. Ông Hợp cho biết do phần nhiễm trùng đã trở thành sẹo, không có cách nào hồi phục như ban đầu. Bệnh nhân chỉ có thể tìm tới phẫu thuật thẩm mỹ để xử lý phần nào.
Đây không phải lần đầu tiên Bệnh viện Uông Bí tiếp nhận ca bệnh viêm sụn vành tai do bấm, xỏ khuyên. Trước đó, một nữ bệnh nhân cũng từng đến viện trong tình trạng vành tai mưng mủ, đỏ và sưng to sau một tuần bấm khuyên. Các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật để làm sạch vết bấm, dẫn lưu mủ ra ngoài, kết hợp kê kháng sinh. Nhờ sớm can thiệp, bệnh nhân đã hồi phục, không bị biến chứng.
Bác sĩ Hợp cho biết viêm sụn vành tai là một biến chứng nguy hiểm khi xỏ lỗ trên vành tai, do nguy cơ nhiễm trùng cao. Ngoài ra, nhiễm trùng ở khu vực này cũng khó điều trị hơn ở các mô mềm như dái tai.
Trong trường hợp không được xử lý, điều trị sớm, vết nhiễm trùng có thể để lại sẹo lớn hoặc gây biến dạng sụn vành tai, làm mất thẩm mỹ và theo người bệnh suốt cuộc đời. Bác sĩ Hợp cũng khuyến cáo nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường máu (viêm gan siêu vi B, HIV...) nếu dụng cụ bấm lỗ tai không được khử trùng theo đúng quy định.
Chuyên gia khuyến nghị khi có biểu hiện bất thường như sưng tấy lâu ngày, mưng mủ tại vị trí xỏ khuyên, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, xử trí kịp thời.
Hướng Dương