![]() |
Dung và Tú Anh đã hồi phục sau tai nạn. |
Tai nạn xảy ra ở nhà cháu Hoàng Tú Anh, 11 tuổi, phố Tây Sơn, Hà Nội. Trưa 26/3, Tú Anh và cháu họ là Trần Thanh Dung (13 tuổi, tập thể Văn Chương) cùng vào nhà tắm. Theo lời kể của Tú Anh, gia đình cháu dùng bình nóng lạnh đun bằng gas, và cháu vẫn bật bình gas như thông thường. Một lát sau, cháu bỗng thấy chóng mặt liền bảo cho Dung biết, nhưng cô bé vẫn cười cho là chuyện đùa. Chỉ ít giây sau, Tú Anh lịm đi và liền sau đó, Dung cũng có triệu chứng tương tự, cháu cố mở cửa nhưng không kịp. Khoảng 5-10 phút sau, người nhà thấy 2 trẻ bỗng nhiên bặt tiếng cười đùa thì mở cửa xông vào, thấy cả hai nằm hôn mê dưới đất, không khí mù mịt hơi nước, mùi gas xông lên nồng nặc. Các bệnh nhân lập tức được đưa đến cấp cứu ở Trung tâm Chống độc.
Nhờ được cấp cứu kịp thời với các biện pháp cho thở ôxy cao áp, truyền dịch, đến sáng nay, Dung và Tú Anh đã tỉnh táo, sức khỏe hồi phục. Bác sĩ Bế Hồng Thu, người trực tiếp điều trị cho hai bệnh nhi, cho biết, các cháu rất may mắn vì đã được phát hiện sớm, có thể qua khỏi mà không bị di chứng gì. Nếu chậm được phát hiện, tình trạng ngộ độc khí gas có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng thần kinh nghiêm trọng, thậm chí bệnh nhân phải sống đời thực vật; nguyên nhân là não thiếu ôxy trong một thời gian dài nên bị tổn thương không thể phục hồi. Bác sĩ Thu cho biết, mỗi năm, Trung tâm Chống độc tiếp nhận khoảng vài ca ngộ độc khí gas do tắm nóng lạnh.
Bình nóng lạnh đun bằng gas mới phổ biến mấy năm gần đây. Rất nhiều gia đình dùng nó vì lý do tiết kiệm: Nếu đã có bình gas thì chỉ cần bỏ ra 800.000 đồng là đã có đủ thiết bị, chi phí hằng tháng cũng ít tốn kém hơn so với dùng điện. Một ưu điểm nữa là bình nóng lạnh đun bằng gas cung cấp nước nóng ngay khi bật chứ không phải đợi như bình đun bằng điện. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị gas luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ. Theo Phó giáo sư Nguyễn Ngọc Toàn, Viện Khoa học vật liệu, người từng nghiên cứu chế tạo máy phát hiện gas rò rỉ, để biết nguyên nhân gây ngộ độc khí gas cho cháu Dung và Tú Anh, cần có nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra hệ thống thiết bị và cách sử dụng của gia đình nạn nhân. Hai khả năng có thể xảy ra: Hệ thống gas có chỗ rò rỉ hoặc gas được mở ra nhưng lửa không cháy, gây đầu độc không khí.
Bà Toàn cho biết, khi chúng ta ngửi được mùi gas bằng giác quan bình thường, đó là lúc nồng độ gas trong không khí đã ở mức đe dọa sức khỏe. Tuy nhiên, vì chúng ta thường có phản ứng khắc phục ngay nên thời gian ngửi khí ga không nhiều. Nhiều trường hợp ngộ độc khí gas xảy ra do đun bếp mà không trông nom, khiến nước trong nồi trào lên gây tắt lửa trong khi ga vẫn được giải phóng. Nồng độ gas trong không khí lên đến một mức nào đó còn có thể gây nổ.
Riêng với các trường hợp tắm bằng bình nóng đun gas, để giảm thiểu nguy cơ, các chuyên gia khuyên nên chọn mua thiết bị chất lượng cao, cơ sở lắp đặt đảm bảo uy tín. Ngoài ra, nhà tắm phải có hệ thống thông gió để đảm bảo sự thông thoáng. Trong ca tai nạn của hai cháu Dung và Tú Anh, buồng tắm hẹp và kín, các cháu lại quên bật quạt thông gió. Bác sĩ cho rằng, đây có thể là yếu tố thuận lợi khiến các cháu bị ngộ độc gas nhanh hơn.
(Theo VnExpress)