Một điểm bán cháo dinh dưỡng ở góc đường Kha Vạn Cân. |
Dọc theo một số con đường ở TP HCM như: Nguyễn Đình Chiểu, Lý Thái Tổ, Sư Vạn Hạnh, Cách Mạng Tháng Tám... người mua dễ bắt gặp những thùng cháo dinh dưỡng (CDD) được bày bán sát ngay lề đường.
Các nhãn hiệu thường thấy là Cây Thị, ABC, Bông Hồng, Đôrêmôn với dòng chữ quảng cáo bên ngoài là làm từ lươn, thịt heo, óc heo... Các bịch đều được đóng gói sẵn và có giá 2.000-3.000 đồng/bịch. Tất cả đều ghi chú sử dụng trong vòng 18 giờ hoặc 24 giờ nhưng lại... không thấy ghi ngày sản xuất! Như vậy, nếu không bán hết ngày hôm nay, cháo có thể được bán “vô tư” trong những ngày tiếp theo.
Một ghi nhận mới đây của các đoàn thanh tra quận, huyện ở TP HCM về an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy tình trạng sản xuất CDD trên địa bàn TP cần phải xem lại. Trong vòng 1 tháng đã có 3 cơ sở CDD bị phạt tiền vì lỗi vệ sinh quá kém. Mới nhất, cuối tuần qua Thanh tra Sở Y tế TP phạt cơ sở Nàng Hương (70/12 D tổ 16, khu phố 4, phường Tân Kiểng, quận 7) hơn 3 triệu đồng vì không bảo đảm vệ sinh trong chế biến thực phẩm, nhân viên chế biến không được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm và không được khám sức khỏe, lạm dụng việc công bố chất lượng để lừa dối người tiêu dùng... Ngoài phạt tiền, thanh tra còn buộc cơ sở này ngưng hoạt động.
Chỉ 60 Kcal/100g cháo
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho rằng những loại CDD hiện có trên thị trường chắc chắn không đủ dinh dưỡng. Bác sĩ phân tích: Giá bán một bịch cháo là 2.000 đồng. Chỉ cần người bán lấy lời 10-20% và người sản xuất lời 30% thì giá trị thực của cháo chỉ còn 1.000-1.200 đồng/bịch. Với giá cả sinh hoạt đắt đỏ như hiện nay thì làm sao CDD đủ dinh dưỡng vì giá một quả trứng gà đã là 1.600 đồng, chưa kể gạo, dầu ăn, gia vị...
Nhận xét này được chứng minh bằng một xét nghiệm mới đây trên mẫu CDD Nàng Hương cho thấy sản phẩm chỉ cung cấp hơn 60 Kcal/100g, chứ không phải là 150 Kcal như nhà sản xuất công bố. Theo bác sĩ Nguyễn Đức An, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM, nếu đúng như tên gọi là CDD thì sản phẩm phải được nghiên cứu kỹ lưỡng như sữa, không thể tùy tiện muốn công bố như thế nào thì công bố khiến người tiêu dùng bị lừa gạt. Bởi nhìn qua những công bố hấp dẫn trên bao bì CDD, người ta có thể mua cho trẻ ăn, một thời gian sau chẳng những không lên cân mà trẻ còn bị... suy dinh dưỡng. Ngoài thành phần dinh dưỡng, bác sĩ Hoa khẳng định CDD cũng không đủ vệ sinh. Theo báo cáo từ quận, huyện cho Sở Y tế TP, tất cả những cơ sở sản xuất CDD hiện nay đều chế biến bằng thủ công.
(Theo Người Lao Động)