Dưới đây là 7 sự kiện nổi bật theo đánh giá của VnExpress.
Game online trở thành một hiện tượng xã hội mới
![]() |
Game online lấn át các thể loại game khác. |
Xuất hiện ở Việt Nam từ 2003 với trò chơi MU nhưng chỉ đến năm nay, các trò chơi nhập vai trực tuyến nhiều người tham gia (MMORPG) mới thực sự tạo nên một cơn sốt với nhiều cái tên như PTV, Võ lâm truyền kỳ, MU, Gunbound..., làm tốn giấy mực của báo giới, khiến các nhà quản lý loay hoay, các bậc phụ huynh bối rối và Thủ tướng phải lên tiếng chỉ đạo.
Dư luận thậm chí đã nhắc đến game online như một chứng nghiện mới, nhất là sau khi một thanh niên ở TP HCM phải nhập viện vì ham chơi quá mức đến quên ăn ngủ. Sức hút của game online lan tỏa không chỉ ở giới thanh thiếu niên mà cả những người lớn tuổi. Đáp ứng nhu cầu đó, hàng loạt công ty trong nước liên tiếp phát hành các game khác nhau với chiến lược kinh doanh quy mô, trong đó có việc tổ chức những đại hội game thủ hoành tráng kiểu festival. Trong khi đó, các cơ quan quản lý đã không theo kịp bước tiến chóng mặt của loại hình dịch vụ giải trí này và lúng túng trong chỉ đạo ngành dọc cũng như trong phối hợp liên ngành. Trong khi chờ một quy chế quản lý thống nhất cho game online, tất cả các hoạt động quảng bá và mở rộng dịch vụ này không được khuyến khích.
Đua giảm cước ADSL khiến thuê bao tăng vọt nhưng chất lượng dịch vụ đi xuống
![]() |
ADSL rẻ hơn nhưng băng thông "hẹp" hơn. |
Nổ phát súng khơi mào cho cuộc cạnh tranh về giá ADSL là Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) với phương án giảm cước đến "gây sốc". Thuê bao là 28.000 đồng/tháng đối với tốc độ download và upload tối đa 384 Kbps - 128 Kbps. Với cước thuê bao trần, tổng chi phí gồm cước tháng và tiền sử dụng không vượt quá 400.000 đồng/tháng, áp dụng từ ngày 1/7. Động thái của "ông lớn" trong thị trường băng rộng khiến các doanh nghiệp khác than phiền sẽ bị "đè bẹp" vì không cạnh tranh nổi với việc "phá giá" như vậy. Nhưng ngay sau đó, những nhà cung cấp khác như FPT Telecom, Viettel, Saigon Postel đều có toan tính riêng và liên tiếp tung ra gói cước còn thấp hơn. Đây là cuộc đua chỉ dành cho các đại gia bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực để "trụ hạng". Vị trí độc tôn trong lĩnh vực dịch vụ Internet của VNPT đã bị chia sẻ khá nhiều. Thị phần của FPT và Viettel tăng đáng kể. Còn những đơn vị yếu thế hơn như Netnam hay Saigon Postel chấp nhận lùi bước nhường đường.
Câu chuyện không dừng lại ở đó. Hệ lụy của cuộc cạnh tranh khốc liệt này là khi giá cước giảm, số lượng thuê bao ADSL tăng chóng mặt cũng tỷ lệ thuận với những kêu ca của khách hàng về chất lượng dịch vụ. Những diễn biến phức tạp của thị trường băng rộng cũng khiến nhiều người nhắc đến cụm từ "Internet băng hẹp". Người ta cũng đã lường trước nguy cơ độc quyền trở lại bởi nếu không có lộ trình giảm giá cụ thể, không ai dám chắc thị trường viễn thông sẽ đi đến đâu.
Bảo mật website nội địa trong tình trạng báo động
![]() |
Lời nhắn nhủ của hacker Thổ Nhĩ Kỳ. |
Tháng 5, Mạng an toàn thông tin VSEC đưa ra con số giật mình: 60% website cơ quan chính phủ VN bị tấn công và khống chế. Trong thời gian này, trang web của một số cơ quan như Bộ Y tế, Ủy ban thể dục thể thao, Trung tâm công nghệ phần mềm Cần Thơ... liên tiếp bị những hacker tự xưng là của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công làm biến dạng và để lại những thông điệp với lá cờ nước này trên site nạn nhân. Các chuyên gia bảo mật có nhiều nhận xét khác nhau về con số thống kê của VSEC nhưng một điều được tất cả đồng tình: Tình trạng của rất nhiều website tại VN hiện nay là dựng lên để làm cảnh. Việc hacker thành công liên tục như vậy cũng có tác dụng cảnh báo rằng nguy cơ mất mát là có thật và đang hiện hữu.
Những tháng cuối năm, vấn đề an ninh website lại tiếp tục được nhắc đến khi nhiều trang web trong nước bị tấn công từ chối dịch vụ, khiến các nạn nhân rất bức xúc nhưng bất lực. Giới chuyên gia cho rằng khó có cách chống đỡ những hành động này nhưng vẫn có thể hạn chế và giảm thiểu thông qua việc củng cố quản lý và cập nhật an ninh hệ thống, cộng với sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, công an và các trung tâm an ninh mạng để tìm ra kẻ xấu.
Bội thực giải thưởng công nghệ thông tin
![]() |
Ngành CNTT VN thực sự có quá nhiều nhân tài cần được tôn vinh? |
Những năm qua, cộng đồng CNTT trong nước đã biết đến nhiều giải thưởng như Trí tuệ Việt Nam, Cúp vàng CNTT, Hiệp sĩ CNTT... Năm nay, danh sách này tiếp tục được kéo dài thêm với giải Sao Khuê của Hiệp hội phần mềm VINASA, Nhân tài đất Việt của Hội khuyến học..., chưa kể những giải thưởng quy mô nhỏ hơn như Quả cầu vàng của Liên hiệp thanh niên, Thắp sáng niềm tin cho người khuyết tật, giải Thăng Long của Sở Bưu chính Viễn thông Hà Nội và rất nhiều cuộc thi dành cho thanh thiếu niên như Olympic tin học, Tin học không chuyên...
Dù được coi là giải thưởng về CNTT, một lĩnh vực rộng và đa dạng, nhưng đến nay, hầu hết các giải thưởng vẫn chủ yếu liên quan đến phần mềm. Ngay cả giải Nhân tài đất Việt được tổ chức gần đây với phạm vi bao trùm cả phần cứng cũng không tìm được ứng viên nổi bật nào ngoài phần mềm. Nhiều người còn đặt vấn đề là các nhân tài trẻ sau khi được tôn vinh sẽ được vun đắp và phát triển tài năng như thế nào để đóng góp cho đất nước. Xung quanh các giải thưởng CNTT còn có chuyện tranh cãi về nguồn gốc sản phẩm dự thi, gây đau đầu với nhiều ban tổ chức.
Microsoft ra mắt hệ điều hành và phần mềm tiếng Việt
![]() |
Windows và Office tiếng Việt nhận được sự đón nhận tích cực của người dùng. |
Giữa tháng 4, Microsoft tuyên bố chính thức phát hành phiên bản Windows XP và Office 2003 Việt ngữ. Dù sản phẩm chỉ được phân phối qua kênh doanh nghiệp và cho phép download đối với người sử dụng Windows XP gốc có bản quyền, sự kiện vẫn thổi bùng những tranh cãi về tính hữu dụng của sản phẩm. Nhà sản xuất và nhiều ý kiến dư luận cho rằng đây là một động thái tích cực góp phần phổ cập tin học cộng đồng. Nhưng cũng có tới hơn một nửa số độc giả tham gia bày tỏ quan điểm trên VnExpress về hệ điều hành thuần Việt khẳng định những sản phẩm này là không cần thiết.
Dẫu sao, con số 10.000 lượt download hệ điều hành Việt ngữ chỉ sau hơn 15 ngày ra mắt cũng mang một ý nghĩa nhất định. Đặc biệt, giữa bối cảnh nạn vi phạm bản quyền phần mềm trong nước tràn lan thì hành động này của một công ty phần mềm có lượng sản phẩm bị xâm phạm bản quyền nhiều nhất thế giới cũng là một tiêu điểm đáng chú ý.
Lần đầu tiên Việt Nam thông quan điện tử
![]() |
Dù vẫn song hành với hải quan giấy, hải quan điện tử là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp. |
Từ tháng 7 đến tháng 10, Chi cục hải quan Hải Phòng, TP HCM và Tổng cục hải quan lần lượt thí điểm ứng dụng CNTT cho khai báo xuất nhập khẩu trong sự háo hức chờ đợi của doanh nghiệp, bởi đây là lời giải cho bài toán giảm tải thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc thông quan điện tử không đồng nghĩa với việc mọi vướng mắc trong khai báo hải quan được "khơi dòng". Hệ thống kỹ thuật chưa hoàn thiện và đồng nhất, cơ sở pháp lý không đầy đủ... đã khiến môi trường hải quan điện tử song song tồn tại cùng văn bản giấy. Nhiều công đoạn hành chính vẫn phải làm thủ công. Kết quả là số lượng doanh nghiệp được tham gia cùng "quy trình công nghệ cao" đến nay không nhiều.
Dù vậy, sự kiện này cũng được nhiều người quan tâm và coi đó là dấu mốc quan trọng đối với ngành hải quan nói riêng và các doanh nghiệp nói chung trong tiến trình hiện đại hóa ở một bộ phận xã hội vốn quá nhiều công đoạn hành chính phức tạp.
Thông tư 02 vẫn chưa phải là lời giải cho quản lý Internet
![]() |
Quyền tự do cá nhân vẫn là lý do phản ứng chính đối với Thông tư 02. |
Thông tư liên tịch số 02 ra ngày 14/7 về quản lý dịch vụ Internet công cộng không nhằm mục đích nào khác hơn là tạo dựng một môi trường Internet công cộng lành mạnh, quy củ và hạn chế tình trạng truy cập nội dung độc hại. Tuy nhiên, cũng giống như Quyết định 71 của Bộ công an, Thông tư 02 đã vấp phải không ít phản ứng từ phía người dân bởi những quan ngại về việc bị xâm phạm quyền tự do cá nhân cùng nhiều rắc rối nảy sinh cho hoạt động kinh doanh của chủ cửa hàng. Đến nay, Thông tư 02 gần như bị lãng quên. Trừ việc tuân thủ quy định đóng cửa sau 12h đêm, hầu như không đại lý Internet nào đề nghị người sử dụng xuất trình chứng minh thư nhân dân hay từ chối khách hàng là trẻ em dưới 14 tuổi không có người lớn đi kèm.
Tình trạng tồn tại cũng như tính hiệu quả của văn bản này một lần nữa minh chứng cho sự bối rối của cơ quan chức năng trong việc tìm giải pháp quản lý môi trường ảo. Nó cũng khẳng định một điều nếu thiếu tính thực tế, các quy định pháp luật khó đi vào cuộc sống.
(Theo VnExpress)