Hiện nay, những cuộc tình “mì ăn liền” không còn là đề tài lạ lẫm. Những buổi hẹn hò lãng mạn, những giây phút thẹn thùng bỡ ngỡ, hay thời gian tìm hiểu nhau bị không ít người coi đó là “sến” và “củ chuối’.
Sau một thời gian sống thử, phá thai một lần, ThanhNga quyết định chia tay bạn trai vì không hợp nhau. Ban đầu thấy Thanh Nga ủ rũ, mọi người lo lắng và tìm mọi cách khuyên nhủ. Không lâu sau đó, mọi người lại thấy cô tíu tít bên một người bạn trai khác và tiếp tục cuộc sống “góp gạo thổi cơm chung” cho “đỡ nhớ nhà” như lời Nga giải thích với mọi người.
Dương Phương, sinh viên Đại học Dân lập Văn Lang, TP HCM, nói: “Thời buổi này tình yêu chẳng nên dây dưa cho khổ, cứ chơi lúc nào chán thì xù kiếm bồ khác”. Bởi vậy mới thấy “Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc” trong ca khúc Hát với dòng sông lại được giới trẻ nghêu ngao là vậy.
Cũng từ Phương mà biết được cả một "CLB tình yêu" khá quy mô trong giớ trẻ hiện nay với một danh sách thành viên là các cô gái khá sang trọng toàn đi xe tay ga đời mới. Công việc chủ yếu của các thành viên trong CLB là tìm những hợp đồng tình yêu có thời hạn. Đối tác của họ sẽ là người chung chi cho những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, còn họ sẽ là tình nhân, sát cánh cùng chàng trong và sau khi tàn cuộc chơi. Đối với họ, sau thời gian chung cánh, nếu thích thì tiếp tục “bay”, nếu chán thì “say goodbye”. Đó là luật!
Sống thử trước hôn nhân không còn là chuyện mới mẻ trong giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, nhận thức về hậu quả của cuộc sống thử lại chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Nhiều bạn trẻ tự trách mình dại dột, lầm đường, thậm chí là một thái độ bi quan về cuộc sống sau khi kết thúc cuộc sống thử. Cũng có những người có thể lường trước được hậu quả nhưng họ vẫn “thử cho biết”.
Cũng có những người tham gia vào CLB vì vui và “thế mới là cá tính”, nhưng có những người tham gia vì “giận đời”.
Trang, một thành viên của CLB, cho Người Lao Động biết: “Trước đây em cũng có người yêu nhưng khi anh ấy đưa về ra mắt gia đình thì họ chê em nghèo. Từ đó anh ấy cũng dần rời xa em. Và em cũng chẳng còn tin vào tình yêu nữa”.
Sau cuộc tình buồn này, Thanh lao vào những cuộc tình chóng vánh khác với những người bạn tình còn hơn tuổi cha mình. “Quen với mấy “lão” có tiền cho thiên hạ nể mình hơn”, Thanh bảo vậy. Và cũng có người thích quen bạn trai một cách chóng vánh để khỏi ai phải chịu trách nhiệm cho ai cả.
Ngọc, một thành viên khác, bộc lộ: “Một cuộc hôn nhân thật sự sẽ trói buộc nhau lại suốt cả một cuộc đời. Trong khi đó, thời gian yêu lại không dài, vì vậy giải pháp tốt nhất là sống thử trước để khi tách ra không phải hối tiếc, rườm rà”.
Khu nhà trọ gần làng đại học ở Thủ Đức không ngày nào được im ắng. Ngày nào cũng có những đợt cãi vã, rượt đuổi nhau của một số cặp sinh viên sống thử. Nguyên nhân rất đơn giản: Không chịu làm việc đã phân chia trước, vì không chịu nấu cơm, vì không thể chịu được tính lười nhác của "vợ" hoặc "chồng", và cả vì thích thì cãi, vậy thôi.
Có lẽ, còn ở tuổi sinh viên họ không thể tạo ra nếp nhà. Họ cũng không thể cân bằng cuộc sống để hiểu lẫn nhau. Chính vì vậy, mâu thuẫn cộng với sự thiếu hiểu biết càng làm cho họ thấy mau chán nhau. Ngọc nói: “Hai đứa tôi sống với nhau chưa được bao lâu nhưng cứ lục đục hoài. Tôi chẳng biết còn chịu đựng được đến bao giờ".
Cũng vì không hiểu biết nhiều về cuộc sống hôn nhân mà mới sang năm thứ hai, một số bạn đã phải đi phá thai. Trường hợp của Kim khiến cho nhiều người cười mà tiếc. Khi người thân nghi ngờ dẫn Kim đi khám thì biết cô đã có thai 4 tháng. May cho cô là nhà bạn trai còn tới cưới hỏi đàng hoàng nhưng cô cũng phải về nhà để chờ ngày sinh con.