Chỉ có một cô con gái cưng nên bà Hoàng Mai, 45 tuổi, một doanh nhân ngành may mặc, tập trung chăm sóc. Con học xong cấp III, bà mẹ gạt mơ ước trở thành giáo viên của con, bắt con thi trường Kinh tế. Con tốt nghiệp, bà xin được cho con một chỗ làm lý tưởng "lương cao mà không phải cày mệt xác". Bà phác ra một kế hoạch khá hoàn hảo rằng năm nào con sẽ lấy chồng, sinh con...
Trước tình thế ấy cô con gái muốn theo học thạc sĩ ở nước ngoài, cảm thấy như mình có lỗi với mẹ. Để mẹ không phải lo tiền học phí, cô cố tìm các địa chỉ có học bổng, đăng ký dự thi. May mắn, cô trúng tuyển và được học bổng một chương trình cao học về truyền thông tại Canada. Nhưng niềm vui của cô không lớn bằng nỗi lo mẹ sẽ không bằng lòng.
Quả nhiên, khi nghe con gái báo tin, bà mẹ sững sờ. Bà nêu ra nhiều lý do để con ở nhà. Không chỉ về lý, bà còn nói nặng đến chữ tình. Cô con gái đành miễn cưỡng chiều theo ý mẹ. Buồn bà, cô tâm sự với cha, ông ủng hộ việc đi học nước ngoài của con, nhưng ông ngại "đối đầu" với vợ. Ông nói với con: "Từ lâu rồi ba cũng đâu được sống theo ý mình, mẹ con "xử" hết mọi việc.
Cũng hoàn cảnh "đau khổ" như chồng bà Hoàng Mai, nhưng ông Tuấn Minh, 41 tuổi, kỹ sư điện tử, thì luôn tỏ ra thái độ bất bình với chuyện vợ mình can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của chồng. Ông nói: "Từ ống kem đánh răng, xà bông tắm, kem cạo râu... đến kiểu xe máy, áo quần... của tôi đều do bà ấy chọn lựa, quy định. Những việc ấy tôi không phản đối, nhưng còn bạn bè, công việc, thời gian, sở thích... của tôi, bà ấy cũng tham gia "chỉ đạo, lên kế hoạch" thì tôi không chịu nổi.
Năm ngoái, tôi tạm từ chối chức trưởng phòng vì muốn đi học thêm, hơn nữa, tôi chỉ muốn làm công tác chuyên môn, không thích hợp với vị trí quản lý. Nhưng khi biết tin, vợ tôi đã trách móc tôi là đồ dại dột, nông cạn, không biết nhìn xa, lúc tuổi cao phải cần một chức vụ mới ổn định. Bà ấy tức giận như chính mình bị mất cơ hội làm sếp. Tệ hơn, bà ấy còn tự nhiên liên hệ với lãnh đạo của cơ quan tôi, nhỏ nhẹ trình bày, để "lấy lại cái ghế cho tôi". Tôi về nhà và sau vài câu nặng lời, tôi gần như im lặng suốt cả tuần.
Trái với thái độ lạnh lùng của tôi, vợ tôi khóc lóc, càng tỏ ra chăm sóc, quan tâm đến tôi, biện hộ: "Em chỉ lo cho anh, chỉ muốn anh được hạnh phúc, đầy đủ, vậy mà anh đối với em như người dưng". Nhưng, bà ấy là vợ tôi chứ đâu phải là tôi, mà làm thay tôi mọi sự? Vợ chồng tôi lẽ ra đã rất hạnh phúc nếu không có cái tính lo quá giới hạn của bà ấy".
Ông Minh An, giáo viên cấp III, thì mệt mỏi vì vợ ông gần như đứng ngồi không yên từ khi cô em gái của bà đi lấy chồng. Em gái bà là một doanh nhân khá thành đạt, nhưng lại kết hôn với anh tài xế, người lái xe cho cô ấy. Bà vận động cả cha mẹ, anh em, dòng họ... chống lại cậu em rể mà bà cho là "kẻ đào mỏ", tẩy chay cô em nếu như cô không nghe lời.
Theo ông An, vợ ông cứ nhốn nháo, bấn loạn lên như thể bà... lấy nhầm tên sở khanh, trong khi cô em gái lại đang sống hạnh phúc, hài lòng với người chồng mới cưới. Ông An bực bội nói với vợ: "Em gái của bà lấy chồng, chọn ai, sống với ai là quyền của cô ấy, cô ấy đâu phải là trẻ con mà bà phải lo". Thế là bà trách chồng không quan tâm đến gia đình vợ, sống không có tình có nghĩa với người thân.
Sống thay người khác, hay nói chính xác hơn là can thiệp quá sâu vào cuộc sống của người khác, là một sự quan tâm dễ gây ra sự khó chịu cho người bị can thiệp. Nhiều ông chồng, bà vợ đã quá "nhiệt tình" với việc can thiệp vào cuộc sống của người bạn đời, của người thân và cả những người xung quanh, đến nỗi quên mất cuộc đời của chính mình.
Đó là những người luôn muốn chỉnh sửa người khác, luôn suy nghĩ về người khác với quá nhiều thắc mắc: "Tại sao anh lại làm như thế, lẽ ra chị phải làm như thế này". Những lúc như thế, họ đã lãng phí thời gian để cố viết "kịch bản cuộc đời" cho người khác, nhất là người trong nhà, trong khi không có quyền làm như thế nên càng cố thì càng gánh chịu thất bại, mà "nạn nhân" không ai khác là chính bản thân và những người thân yêu của họ.
"Sống thay cho người khác" như một cái bẫy, vì sao chúng ta lại rơi vào một cách dễ dàng? Nhà tâm lý học người Anh, Mike George, một trong những người xây dựng chương trình giáo dục các giá trị cuộc sống, giải thích, hầu hết mọi người đều gần như bị "cài đặt" trong những niềm tin sai lệch và tai hại, rằng chúng ta có thể kiểm soát người khác và người khác phải chịu trách nhiệm cho mọi cảm xúc của chúng ta. Sự thật là mỗi người chỉ có thể kiểm soát bản thân mình, và bạn chính là người tạo ra cảm xúc cho bạn. Vì vậy, đừng can thiệp vào chuyến hành trình của ai đó.
Mỗi người đều có "đất" để diễn vai của mình trên "sân khấu" cuộc đời và ta thường gọi là vai trò. Lúc ở nhà, bạn có thể là vợ (chồng), là mẹ (cha), là con cái; đến cơ quan có thể là sếp, hay nhân viên... Hãy diễn tròn vai của mình. Đừng dính dáng vào "vai diễn" của ai, ngay cả chồng hoặc vợ của mình, trừ khi bạn được mời.
Và nếu như có được mời thì đừng quá "nhập vai" "hóa thân" vào cuộc đời của người mời bạn, và đừng quá cố giải quyết những thách thức mà họ đối mặt. Hãy đứng lùi lại một chút, tách biệt một chút, để giúp đỡ, tư vấn cho họ, thì sự đóng góp của bạn sẽ có giá trị và có hiệu quả hơn.
Dù là cha mẹ, bạn cũng không có quyền kiểm soát và sắp đặt cuộc đời của con mình một cách chủ quan. Hãy tạo cơ hội cho con cái học giỏi và lớn lên dưới sự che chở, yêu thương của bạn. Điều quan trọng nhất là giúp con cái có một nền tảng giáo dục, tri thức để làm hành trang, sức mạnh nội tại trên con đường của riêng mình trong thế giới này. Bạn phải là một người cố vấn, là huấn luyện viên, người bạn, người đồng hành, là cha mẹ và là người thầy. Đừng ép buộc chúng phải làm theo những gì bạn muốn.
Mike George cho chúng ta kinh nghiệm: "Khi bạn nhận ra mình đang ở trong tình huống phán xét, can thiệp vào người khác, hãy bình tĩnh lại, nhẹ nhàng rút lui và chuyển hướng sự tập trung. Bạn sẽ trở thành người biết chia sẻ, lắng nghe và giúp đỡ người khác, chứ không phải người nhiều chuyện.
(Theo Phụ Nữ)