Một đám đông đồng phục cùng xe đạp, xe máy vây quanh một bạn gái bị ngã đang nằm sõng xoài ngay gần cổng trường N.T.T. sau một vụ cọ quẹt… Cô gái nằm như thế tối thiểu cũng đến 10 phút, cô độc, không ai giúp đỡ, dù quanh bạn ấy là những bạn bè cùng trường, chứ không phải là một đám đông hoàn toàn xa lạ.
Ngày nay, có bao nhiêu bạn đủ "can đảm" dẫn một cụ già băng qua đường, hoặc, trong trường hợp này, có bao nhiêu bạn đủ dũng khí xô đám đông, chen vào dìu bạn gái kia đứng dậy? Không ít dân teen dường như đang thu mình lại, càng không liên quan càng tốt.
Bạn bè không khỏi cười nắc nẻ mỗi khi trông thấy cái dáng đạp xe của Quân (lớp 12, trường B.T.X.): Mặt cúi gằm, mắt nhìn chăm chăm thẳng đơ một phía, gù lưng cong cong trên chiếc xe đạp cứ thế mà thẳng tiến về nhà. Chả là hồi lớp 6, Quân bị một tên lừa đảo vờ quá giang rồi đến chỗ vắng cướp lấy cái xe đạp mới. Từ đó cho đến tận khi học lớp 12, đã là một chàng trai 18 tuổi cao to vạm vỡ, Quân vẫn răm rắp nghe lời căn dặn của mẹ từ hồi lớp 6: "Tuyệt đối không được cho ai quá giang nữa, nghe không?".
Dân teen hoàn toàn có thể đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan khi có không ít kẻ lợi dụng lòng tin và sự tử tế của người khác để lừa gạt, để quy đổ trách nhiệm. Dừng xe lại giúp một người bị ngã xe, bạn có thể bị quy thành người gây tai nạn. Rồi nạn ăn mày rởm, rồi những trường hợp xin đi nhờ để cướp xe...
Những trường hợp đó dù không phải là hy hữu, nhưng cũng không nhiều như ta vẫn nghĩ. Nhiều dân teen với cách suy nghĩ và sống tích cực, đã rút kinh nghiệm để học cách nhận biết người ngay kẻ gian, để không bỏ qua những trường hợp thật sự cần giúp đỡ. Nhưng cũng không ít dân teen khác cho rằng cách duy nhất để chống lại những thủ thuật lừa gạt ấy là khoanh tay đứng nhìn, hoặc rảo bước đi qua thật nhanh trong mọi trường hợp, lờ đi khả năng rất lớn rằng đó thực sự là một người đang rất cần được giúp đỡ.
Một nhóm bạn nữ khối lớp 8 "nổi như cồn", tự xưng là "tứ đại mỹ nhân". Những gì "mỹ nhân" đã muốn thì không ai được phép cản lại, những nơi "mỹ nhân" lui tới thì phải biết tránh xa, theo kiểu "thuận ta thì sống, nghịch ta thì… nát".
Có lần, vì quá bất mãn trước thái độ hung đồ của một trong bốn tứ đại mỹ nhân trong lớp, K., một thành viên của ban cán sự lớp đã dũng cảm "nói phải quấy" với bạn đó. Hậu quả là, một bịch mắm tôm đem từ nhà lên bị dốc thẳng xuống đầu của K., kèm theo những câu tục tĩu hăm dọa dành cho kẻ dám vô lễ với các "chị". Nhưng tuyệt nhiên không một ai trong số gần 40 bạn cùng lớp chứng kiến dám đứng ra bảo vệ bạn mình.
Thế rồi K. phải chịu một mức án kỷ luật không nhẹ tay chút nào vì dám đánh bạn gái trong lớp (sau khi chịu nhục không nổi nữa). Nhưng cả tập thể lớp, gần 40 dân teen, không hề thấy bất cứ một lời hô nào đòi lại công bằng cho K. cả. Nhóm "tứ đại mỹ nhân" nọ vẫn tồn tại trong sự không mảy may hay biết của các thày cô và nhà trường.
Tập thể lớp 12A... trường X. "tự hào" rằng lớp mình là lớp đoàn kết nhất, thương yêu nhau nhất, "vui tự sướng, hoạ thì… chia". Một bạn tên là An nghịch dại phóng máy bay trong lớp, rồi bay sượt qua đầu cô giáo dạy Văn, và không chịu đứng lên nhận lỗi về mình.
Không ai nhận, nên cả lớp phải quì gối suốt 30 phút còn lại của tiết học, cùng hứng chung trách nhiệm với An. Đơn giản là, thoả hiệp "đoàn kết chung" của cả lớp không thể bị phá vỡ vì một chiếc máy bay "cỏn con" ấy được.
Nhiều cái miệng nhỏ to xầm xì, khó chịu bức bối vì bị phạt oan cái lỗi mình không hề gây ra. Nhưng không ai dám đứng lên nói thẳng nói thật với cô giáo, càng không dám nói thẳng với An, thế nên đành chịu phạt cùng với một cái lỗi chẳng oai hùng gì.
Và những trò nghịch ngợm của An không dừng lại, cậu ta cảm thấy an toàn trong một lớp học ai cũng ngại va chạm, thà bị phạt oan còn hơn. Điều đó không phải là đoàn kết, càng không phải thương yêu, giúp đỡ bạn. Bởi sự dung túng ấy cũng khuyến khích trong An một cách sống không dám chịu trách nhiệm việc mình làm, mà bắt người khác phải cùng gánh vác.
Câu chuyện của Quân, của những người bạn cùng lớp với nhóm "tứ đại mỹ nhân", những người bạn trong lớp 12A nọ không còn đơn thuần là nỗi lo "trách nhiệm" vu vơ nữa, mà nó còn là một sự lựa chọn cho một cách sống không đúng: Sống phòng thủ.
Sống tích cực và sẵn lòng chia sẻ mới là cách khiến cuộc đời đáng sống! Đừng để lại trên con đường bạn đi chỉ là những dấu chân vô danh, hãy để lại hình ảnh về một dân teen mạnh mẽ cùng lòng tốt, trách nhiệm và sự quan tâm đến những người xung quanh nữa, teen nhé.
(Theo Hoa Học Trò)