![]() |
Từ thủ phủ bang Arkansas, phải mất khoảng 3 tiếng đồng hồ mới đến được làng Marshalle và gặp được anh Therry Wollice. Đấy là người duy nhất trên thế giới tỉnh táo trở lại sau cuộc hôn mê rất sâu và kéo dài liên tục hơn 19 năm. Ngày 12/6/1984, anh chàng Wollice, 20 tuổi, cùng bạn thân phóng xe hơi sang triền núi bên cạnh. Chiếc xe gặp nạn, lao xuống vực sâu. Người bạn chết ngay, còn Therry thì bị hôn mê. Bác sĩ lắc đầu: “Không có hy vọng tỉnh lại”. Theo họ thì cuộc sống của Therry chỉ kéo dài đến một năm là cùng. 1 năm dự báo đó đã kéo dài gấp 19 lần: ngày 12/6/2003, Therry Wollice đã sực tỉnh, khiến cả thế giới xôn xao. Therry Wollice chỉ nhớ được những việc lặt vặt xảy ra trong vòng 4 phút. Một sự kiện lớn có thể đọng lại trong trí nhớ của anh tới 4 tiếng đồng hồ. Cá biệt - có thể kéo dài tới cả tháng, nhưng đấy phải là sự kiện gây được ấn tượng mạnh trong anh. Từ khi tỉnh lại, Thery dễ dàng nhận ra 3 người: bố, mẹ, và ông bác sĩ. Khi cô Amber (lúc cha lâm nạn mới ra đời được một tháng rưỡi, nay đã là một cô gái 20 tuổi) đến thăm, Therry rất ngạc nhiên: “Con gái tôi ấy à, nó đang còn bú mẹ, chứ cô này thì...”. Người nhà chìa cho xem bộ ảnh của Amber từ bé đến lớn, lần lượt biết bò, biết đứng, đi học rồi lấy chồng ra sao, anh khóc nấc lên, kêu trời vì sung sướng: “Bao giờ hết bệnh, nhất thiết bố sẽ tập đi để được ôm hôn con”. Nói chung, Therry hoàn toàn sống với quá khứ: Cho đến lúc này, Tổng thống của nước Mỹ vẫn cứ là Ronald Reagan như năm 1984, và khi người ta báo cho anh biết rằng Reagan đã chết thì anh sửng sốt: “Sao lại thế được! Ông ấy mới làm Tổng thống được có 4 năm thôi mà”. Dịp bầu cử Tổng thống vừa qua, Therry nằng nặc đòi xem danh sách các ứng viên, thấy không có Reagan, anh chậc lưỡi: “Người ta cứ giỡn mình. Thôi, thì bầu cho Bush vậy, ông ta cũng thuộc phái Cộng hòa mà”. Therry Wollice không thể hình dung là mình đã sống trong cõi mê những 19 năm. Cả tháng đầu tiên, anh rất hay bị sốc: “Không thể như thế được... Không thể như thế được...”. Tai nạn xảy ra, mẹ anh đến hiện trường, thấy con mình mê man bất tỉnh, nhưng thật là kỳ lạ: Trên người Therry không hề có một thương tích gì, không một chiếc xương nào bị gãy, chỉ thấy một vết xây xước ở bên trên lông mày, song, do đầu anh bị va đập rất mạnh nên máu đã tràn đầy hộp não. Khi được hỏi có bao giờ mất niềm tin rằng con trai sẽ tỉnh lại, ông Jerry Wollice, cha của nạn nhân, cho biết: năm đầu - còn tin, nhưng sau 5 năm, niềm tin đuối dần. Năm lại năm, vì không có sự chấp thuận của người nhà bệnh nhân, bác sĩ không dám ngắt hệ thống bảo sinh nối với Therry. Bố mẹ Therry khăng khăng đòi giữ, mặc dầu để đổi lấy sự sống (nếu có thể gọi được như thế) phải đổ vào đó hàng núi tiền của. Nhưng nỗi day dứt lớn nhất với cha mẹ Therry vẫn là hàng ngày phải nhìn tình cảnh tuyệt vọng của đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra. Khi một nhà báo trẻ Nhật Bản phỏng vấn, vì sao gia đình không chịu cho ngắt hệ thống bảo sinh, bà mẹ Therry trừng mắt vặn lại: “Thử hỏi, nếu người ta dúi vào tay cậu một khẩu súng lục và khuyên hãy bắn chết đứa con của cậu đang nằm mê man, cậu có dám làm không?”. Cây bút trẻ kia đã im lặng chuồn thẳng. Vào những ngày nghỉ hoặc ngày lễ, gia đình Therry xin bệnh viện cho phép đưa bệnh nhân về nhà. Chiếc giường di động của Therry khi ấy được đẩy đến kề bàn tiệc, cả nhà tíu tít chất lên người anh những món quà tặng, tranh nhau kể những chuyện vừa mới diễn ra, có khi còn cả chuyện tiếu lâm nữa, không ai còn để ý đến sự thật tàn nhẫn là Therry đang trong cõi mê và không có một phản ứng gì. Cả nhà vẫn cứ coi như Therry vừa chợp mắt... Khi tỉnh, được nghe thuật lại những điều kể trên, Therry có vẻ tự ái: “Sao lại coi như. Thì tôi đang là người bình thường đấy thôi”. Sự hồi tỉnh bất ngờ đã tới khi cô hộ lý kéo người mẹ đến bên giường bệnh của Therry như thường lệ: “Anh xem kìa, ai đây?”. Therry bất chợt mở mắt nhìn và máy môi: “Mẹ!”. Đã bao năm ròng, bà mẹ mong mỏi điều đó, nhưng bây giờ, bà vẫn ngỡ rằng mình nằm mơ. Bà gọi điện ngay cho Amber và cô con gái lập tức phóng xe một mạch ba giờ liền để đến chứng kiến bố mình biết nói! Khi ấy, Amber đang mang bầu. Về sau, Therry tâm sự: “Sau 19 năm mê man tỉnh dậy thấy con gái mình đã là người lớn, lại sắp cho mình làm ông ngoại, tôi thấy mình có thể trở lại cõi mê được rồi”. Therry đòi uống nước, bà mẹ đưa vội một lon nước có sẵn trên bàn. Chuyện được đưa lên truyền hình, thế là chủ hãng nước ga nọ vớ được một người quảng cáo không công: Sau 19 năm hôn mê, khách hàng vẫn nhớ đến sản phẩm của chúng tôi đấy! Lần đầu tiên hết mê, nhỏm dậy, Therry muốn làm gì? Anh nghĩ một lúc, lâu quá thời hạn 4 phút khiến cả nhà hồi hộp, rồi cho biết là muốn tự tay lái xe hơi, thích nhất là loại xe Jeep, rồi nhất thiết phải đi câu cá một bữa. Người trở về từ thế giới bên kia bao giờ cũng nói thẳng nói thật, vì khi đó “bộ lọc” lý trí vẫn còn tê liệt. Đó là con người thành thật nhất của nhân loại. Therry Wollice nay đã 40 tuổi nhưng trông anh vẫn như mới 25 hoặc 30 tuổi là cùng. Một nữ bác sĩ đến thăm, anh không giấu được sự sững sờ và thủ thỉ: “Em xinh đẹp quá, ước gì anh được ngủ với em một đêm”... Cũng may, vị từ mẫu trẻ măng được trời phú cho tính ưa hài hước. Anh thành người gương mẫu nhất, quở mắng luôn những người xung quanh về tội hút thuốc và uống rượu. Bà mẹ theo dõi anh nhiều lúc đã quên đó chính là con trai mình, cứ tưởng là thiên thần giáng thế. Các ngón tay Therry bây giờ như không có xương, được làm bằng cao su vậy: có thể bẻ cong qua lại. Khi mới tỉnh, anh chỉ nhúc nhích được từ cổ trở lên, mặt chỉ ngoảnh được sang một bên và quên hết những việc thông thường như tắt đèn, mở cửa... Sau 19 năm ở cõi mê, các cơ, gân teo hết cả, anh phải luyện tập phục hồi chức năng. Giờ anh đã đụng đậy tay chân và nhỏm người lên được. Chi phí cho việc phục hồi chức năng không ít: mỗi tháng 32.000 USD. Gia đình Wollice đang là một con nợ lớn. Những người hảo tâm ở New York sáng lập ra “Quỹ Therry Wollice”, nhưng mới gom được chưa đầy 1.000 USD, vậy mà chưa thấy chính phủ Mỹ có ý kiến gì... Các chuyên gia nhận định: Phải hai chục năm nữa, người như Therry mới có thể trở lại cuộc sống bình thường. Bố mẹ Therry tỏ ra bất cần: “Bốn chục năm nữa cũng không sao!”. Điều quan trọng nhất là nội tạng của Therry- tim, gan, thận đều không có vấn đề gì, tất cả vẫn nguyên xi như lúc Therry 25 tuổi. Nếu vậy, thì anh còn có thể sống sáu chục năm nữa cho đủ bách niên. Gia đình đang hướng Therry vào cuộc sống tích cực hơn, thường xuyên trò chuyện để giúp anh phục hồi khả năng giao tiếp. Bác sĩ khuyên “cần để cho bệnh nhân yên tĩnh nghỉ ngơi”. Nhưng, “Cần gì - gần hai chục năm nay, Therry đã nghỉ ngơi chán rồi...”. Cảm giác no cũng không còn nữa: Cứ hai giờ anh được ăn một bữa, ăn không biết no, ăn no bao nhiêu mà vẫn không thấy béo. Chưa đi được, nhưng Therry tâm sự với mẹ: “Mẹ có hình dung ra không? Được sống thế này, thích nhỉ!”. Hiện tượng Therry khiến tất cả thân nhân của những người đang bị hôn mê không còn muốn ngắt mạch nối bệnh nhân với hệ thống bảo sinh nữa! (Theo Tiền Phong) |