Hồng Sơn nhận bằng tốt nghiệp tại Đức. |
Có mặt tại Trung tâm TDTT Thành Long để chuẩn bị những bước cuối cùng cho đội futsal (bóng đá trong nhà) nam trước lúc lên đường sang Thái Lan, Hồng Sơn đã dành cho báo chí một buổi trò chuyện.
- Ấn tượng lớn nhất đối với anh trong những ngày sống tại Đức là gì?
- Sự chuyên nghiệp. Khác với các khóa học HLV mà tôi từng được tham gia tại Việt Nam, khi sang nước bạn, các học viên từ các nước phải tự lo chuyện sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn, di chuyển (từ ký túc xá đến trường và ngược lại) và giải trí. Không chỉ cơ sở vật chất và các trang thiết bị chuyên dùng hiện đại tại ĐH Lepzig mà còn là cung cách quản lý và khả năng đào tạo rất tốt của người Đức.
- Trở ngại lớn nhất của anh trong thời gian tham gia khóa học này là gì?
- Ngôn ngữ. Nhiều chỗ thày giảng trên lớp mà tôi không thể nào theo kịp, nên mỗi tối tôi phải nhờ những học viên giỏi Anh văn giảng lại. Vì thế, tôi tốn khá nhiều thời gian cho việc học lý thuyết, nên chỉ đạt chứng chỉ tốt nghiệp loại trung bình, dù khả năng thực hành cũng như kỹ thuật của tôi thuộc loại tốt nhất lớp.
- Ngoài Anh văn, học viên các nước còn có những ưu điểm nào nổi trội hơn anh?
- Tác phong chuyên nghiệp và sự tự tin. Trên giảng đường, học viên các nước bạn luôn sẵn sàng tranh luận và đặt ra các câu hỏi cho giảng viên, khi họ gặp phải những vấn đề hay, cần phải mổ xẻ đến nơi đến chốn, hoặc hỏi rất cặn kẽ nếu họ cảm thấy giảng viên vẫn chưa đi thật sát vấn đề.
Đây là điều họ hơn hẳn chúng ta, vì tôi cũng như các bạn Việt Nam mỗi khi đến lớp thường ít khi tranh luận, mổ xẻ vấn đề.
- Sau khi tham gia khóa học HLV tại Đức, anh có được định hướng gì cho tương lai HLV?
- Sự kiên nhẫn và khả năng chịu sức ép là những điều tôi học được sau khóa học này. Tác phong làm việc chuyên nghiệp, quyết đoán cũng là những thứ mà tôi có thể áp dụng khi huấn luyện bóng đá tại Việt Nam.
Tôi còn mong muốn tạo được nơi các cầu thủ của mình nếp suy nghĩ tự giác, luôn biết sống trong khuôn khổ, để trở thành lớp cầu thủ không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn sáng về phong cách.
- Hồng Sơn - cầu thủ ngày xưa khác với Hồng Sơn - HLV bây giờ ở những điểm nào?
- Tinh thần trách nhiệm. Khi còn là cầu thủ thì tập luyện, thi đấu và sinh hoạt điều độ, đúng giờ giấc là đã đủ. Nhưng khi là một HLV, tôi phải ép mình vào nhiều khuôn khổ khác: phải chú ý đến tác phong của mình trên sân cỏ cũng như đời thường, làm quen với áp lực từ nhiều phía (khán giả, giới truyền thông...), cách phát ngôn...
Phải nắm rõ chuyên môn, tâm tư, nguyện vọng của từng VĐV để giúp phát huy tốt nhất khả năng của từng em. Nói cách khác, bây giờ tôi không chỉ nỗ lực cho chính mình, mà còn phải nỗ lực cho hàng chục học trò.
- Tại các giải bóng đá trẻ gần đây, nhiều tài năng trẻ bị phê bình về tác phong thi đấu. Phải chăng đấy xuất phát từ khâu huấn luyện?
- Không thể phủ nhận vai trò của các HLV trong vấn đề này. Khả năng hành xử, giao tiếp là những thứ phải giáo dục cho các em từ nhỏ, chứ để đến 19 - 21 tuổi rồi thì khó uốn nắn lắm.
Tôi phản đối lối đá thô bạo, thiếu fair-play, nên riêng với các cầu thủ U15 Thể Công mà tôi đang huấn luyện, thì tôi dứt khoát hướng các em đi theo con đường đúng đắn.
Hàng ngày, sau những giờ học chuyên môn, tôi đều giảng giải cho các em về cách nói năng, ứng xử với đồng đội trong các buổi tập, những người vi phạm đều có những hình thức phạt hoặc cảnh cáo khác nhau. Làm như vậy để giúp các em nhớ và tránh xa dần các thói xấu trên sân cỏ.
- Ngôi sao số một của bóng đá Thái Lan Kiatisuk từng tuyên bố muốn trở thành HLV ĐT Thái Lan, vậy ngôi sao số một Việt Nam cùng thời điểm có mong điều tương tự?
- Hiện tại, mọi thứ chỉ mới bắt đầu với tôi. Tôi tự nhận thấy rằng mình mới làm tốt việc thị phạm trong công tác huấn luyện và còn kém về khả năng sư phạm, cũng như kinh nghiệm cầm quân.
Đấy là những điều mà tôi luôn cố gắng trau dồi thông qua những khóa đào tạo HLV và thực tế. Tôi phấn đấu đi lên theo từng cấp độ: bóng đá trẻ, bóng đá hạng thấp, rồi mới đến bóng đá đỉnh cao.
Chính vì vậy, việc trở thành HLV ĐTQG là điều mà tôi chưa dám nghĩ tới, chỉ mong sau này được làm HLV trưởng đội Thể Công cũng đã tốt lắm rồi.
- Còn đối với môn futsal mà anh đang là HLV phó, một kỹ thuật gia sân cỏ như anh có gặp nhiều khó khăn không khi đến với môn này?
- Những kỹ năng đảo người, đánh gót, sút bóng... vẫn hữu dụng khi tôi đến với futsal, chỉ có điều là tôi phải làm quen với không khí ít cuồng nhiệt và một không gian nhỏ hẹp hơn so với bóng đá sân cỏ.
Ngoài ra, những kỹ năng chuyên biệt trong futsal như khống chế bóng bằng gầm giày, di chuyển, làm quen với giày và sàn thi đấu... đều là những thứ tôi phải học hỏi để truyền đạt lại cho các cầu thủ.
Cũng may là có anh Long (HLV trưởng Nguyễn Văn Long) tận tình hướng dẫn nên hiện tại tôi có thể làm tốt phần việc của mình.
(Theo Thể Thao TP HCM)