Nghe và nhắn tin
Thống kê sơ bộ về điện thoại giá dưới 2 triệu đồng, có khoảng 26 mẫu của hơn 10 hãng. Trong đó, 5 hãng lớn chiếm 90% thị phần là Nokia, Samsung, Motorola, Sony Ericsson và Siemens dẫn đầu về số mẫu máy, với 20 mẫu máy.
Motorola C115 đang bán rất chạy với mức giá 750 nghìn đồng. |
"Giá máy càng ngày càng hạ" là câu cửa miệng của người bán tại các siêu thị, cửa hàng điện thoại di động. Trong khi vòng đời sản phẩm càng ngắn dần, nhiều hãng điện thoại tham gia thị trường khiến giá giảm liên tục. Một chiếc điện thoại đời mới tháng trước có giá 7,5 triệu đồng, tháng sau giá giảm gần 1 triệu đồng. Giá giảm, nên nhiều người có thể tiếp cận dịch vụ này.
Bên cạnh cuộc đua về giá của các hãng điện thoại, các nhà cung cấp dịch vụ như MobiFone, Vinaphone, Viettel, S-Fone đều có các gói cước giá rẻ, cách tính cước phù hợp để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng bình dân. Vài năm trước, di động chỉ là chuyện trong mơ của giới sinh viên, thì nay, việc sinh viên dùng di động trở thành chuyện thường ngày ở ký túc xá.
Sống xa nhà, sang học kỳ II, Cẩm Tú, sinh viên năm thứ nhất Đại học Ngân hàng, sắm một chiếc máy Samsung C100 hoà mạng Viettel. Cô nói: "Giá máy mới chưa tới hai triệu đồng, tôi chủ yếu dùng để nghe và nhắn tin". Không riêng gì Tú, nhiều bạn trong lớp cô cũng có điện thoại. Mua máy rẻ, gọi tiết kiệm là cách những sinh viên thường sử dụng.
Do phải thường xuyên liên lạc, sợ bị nghẽn mạch nên anh Toàn dùng thuê bao của hai mạng Vinaphone và MobileFone. Một năm trước, Toàn còn xài K700i giá 7 triệu đồng, nhưng khi dùng thêm một số mới, anh chỉ mua Nokia 2600, giá chưa tới 1,8 triệu đồng. Anh nói: "Cái chính vẫn là nghe và nhắn tin nên không nhất thiết phải chi quá nhiều cho một máy điện thoại". Gần đây, ngoài "hai súng" giắt túi, Toàn có thêm một chiếc máy để trong ba lô. Thỉnh thoảng, mới thấy anh chàng rút ra, mỗi lần "buôn dưa lê" vài chục phút. "Tôi xài S-Fone gói Free-1, gọi miễn phí cho một máy nên không lo chuyện cước", Toàn giải thích với SGTT.
Khi "đại gia" nhúng tay
Nokia 1100. |
Hai năm trước, với mức chi hai triệu đồng, có ít máy mới cho người dùng chọn. Máy màn hình đơn sắc, tính năng chỉ là thoại và nhắn tin, thêm vài trò chơi. Hiện nay, những chiếc máy như vậy có giá dưới 1 triệu đồng. Từ 1-2 triệu đồng, người dùng có thể tính chuyện mua máy có màn hình màu (thường là 4.096 màu), nhạc chuông đa âm. Trong các mẫu máy giá rẻ, có 3 mẫu có màn hình 65.000 màu như C100 của Samsung, Innostream và LG G1600. Đó cũng là lý do mà Cẩm Tú chọn mua C100, vỏ gập hợp với nữ, lại có màn hình đẹp. Ở mức giá từ 1,4-2 triệu đồng, cấu hình cơ bản của máy là màn hình 4.096 màu, cài sẵn 2-3 trò chơi, kiểu dáng thiết kế hợp với bạn trẻ.
Theo nhận định của giới kinh doanh di động, các hãng điện thoại lớn có chủ trương phát triển dòng máy bình dân để chiếm thị phần. Có thể thấy các cuộc so kè về mẫu mã, tính năng và giá giữa các hãng Nokia, Samsung, Motorola, Sony Ericsson. Ông Nguyễn Đức Tài, giám đốc kinh doanh của siêu thị điện thoại thegioimobi.com cho biết, dòng máy có mức giá dưới 1,5 triệu đồng đang được chia đều cho Motorola với C115 và Nokia với 1100. Trong đó, C115 có giá dưới 900.000 đồng. Theo một nguồn tin khác, với lượng máy C115 bán mạnh trên thị trường, Motorola đã gia tăng thị phần đáng kể. Thống kê của GfK trong tháng 3, thị phần của hãng này đã tăng lên 16%, xếp thứ ba sau Nokia và Samsung.
Ngoài việc bán máy giá rẻ, các hãng lớn sử dụng sức mạnh tài chính để kết hợp với S-Fone đưa ra các chương trình khuyến mãi giảm gần 50% giá máy, thậm chí tặng không máy. Anh Toàn cho biết, chiếc Nokia 2112 anh dùng mạng S-Fone được bán với giá chỉ 540.000 đồng. "Máy còn có loa ngoài, đèn pin khá ngộ", anh nói.
Trong tháng 6 này, các hãng di động sẽ nhóm họp để bàn về dòng máy giá rẻ. Trong đó, hãng tiên phong là Motorola với phương án máy có giá dưới 30 USD. Tương lai, dòng máy giá rẻ sẽ có thêm nhiều sản phẩm hơn để người tiêu dùng lựa chọn.