Ông Trịnh Viết Ngọ |
"Soái" Ngọ đã góp phần xây dựng và hình thành một trung tâm thương mại rộng lớn với cơ sở sản xuất và kinh doanh ổn định cho hàng nghìn bà con người Việt ở Matxcơva.
Có rất nhiều giai thoại về “soái” Ngọ (Trịnh Viết Ngọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Thương mại Lion (nằm trên đường Koptevskaia, Matxcơva). Có chuyện kể rằng, một cửu vạn người Việt lần đầu được thuê chở hàng tới chợ Vôicôp (nơi có đại bản doanh của Lion với gần 1.000 hộ người Việt buôn bán) thấy một người mặc quần đùi, áo may ô đứng lớ xớ ngay trước cửa chợ, bèn quát: “Ê, thằng kia, lên đây giúp tao vác hàng!”.
Thấy người này vẫn điềm nhiên đứng giữa lối nhìn chiếc xe hàng, anh cửu vạn tức quá: “Mày có dẹp nhanh không, có muốn sống không, chậm hàng của ông Ngọ bây giờ?”. Khi đó, có người ở chợ đi ra mới bảo anh chàng cửu vạn: "Ông Ngọ đấy, cãi gì ông ấy thế?". Nghe vậy, anh chàng cửu vạn hãi quá cứ cúi rạp người vái lia lịa: Xin ông tha tội, con mới sang chưa biết ông. “Soái” Ngọ phì cười: “Chưa biết mà dám lôi người ta ra dọa mới là giỏi. Thôi, để hàng đó, vào đây uống rượu. Tên chú mày là gì? Sang lâu chưa?”.
Xí nghiệp May Liva tại Mátxcơva của “soái” Trịnh Viết Ngọ. |
Chẳng biết chuyện ấy thực hư đến bao nhiêu phần trăm, nhưng chi tiết “quần đùi may ô” thì rất là … “soái” Ngọ! Mới gặp lần đầu, dễ có ấn tượng ông này hơi…quê. Nhưng chỉ cần nói chuyện thêm một chút, người ta sẽ mất ngay cảm giác ấy. Thay vào đó là sự cảm phục một người đàn ông từng trải, rất... "anh Hai Sài Gòn", cựu lính đặc công từng được huấn luyện đặc nhiệm để bảo vệ Bộ Tư lệnh chiến trường B2 với câu nói truyền miệng nổi tiếng của Đội 21 trinh sát đặc công lẫy lừng: “Đâu cần có Ngọ, đâu khó có Khá”.
Ông còn là một tiến sĩ triết học, từng là giảng viên giỏi suốt 10 năm liền của ĐH Bách khoa TP HCM, nghiên cứu sinh bảo vệ xuất sắc luận án “Sự tác động lẫn nhau giữa lợi ích kinh tế và chính trị trong xã hội không ổn định”. Đề tài này đã giành được số điểm tuyệt đối của cả 15/15 vị giáo sư bạc đầu trong Hội đồng Khoa học ở Viện Triết học Matxcơva năm 1994.
Theo Sài Gòn Giải Phóng, ông Ngọ nổi tiếng là “người đi đầu” trong mọi chuyện. Trong đó có cả chuyện ông là người đầu tiên lập chi bộ Đảng của doanh nghiệp người Việt tại Nga. Chi bộ Đảng ở Trung tâm Lion của “soái” Ngọ gồm 12 đảng viên vẫn sinh hoạt rất đều đặn suốt 12 năm qua.
“Soái” Ngọ tuổi con ngựa, năm nay vừa sang tuổi 51. Là con trưởng trong một gia đình 7 người con ở Hà Tây quê lụa, cái máu thủ lĩnh đã thấy rõ từ ngày còn nhỏ. Thằng bé đen trũi, gan lỳ trời luôn nghĩ ra đủ mọi trò mới cho lũ trẻ chăn trâu cùng làng. Học rất giỏi nhưng hết lớp 10 là xung phong đi bộ đội. Cái tính cẩn thận và bản lĩnh không chịu khuất phục càng được rèn luyện trong môi trường quân ngũ. Là người bộc trực, Trịnh Viết Ngọ không thể chịu nổi tính lươn lẹo.
“Thương trường là chiến trường mà… Nhưng chiến trường nào cũng không thể chấp nhận cái mánh lừa đồng đội. Dù có thế nào tôi cũng không bao giờ quên mình từng là một người lính…”. Rồi “soái” Ngọ trầm ngâm: "Tình bạn như một viên ngọc quý. Đấy là lời Ăngghen chứ không phải tôi. Tôi rất thích câu nói ấy, nhưng lại thấm thía lời dạy của các cụ: Cuộc đời mà không có bạn tri kỷ thì không đáng sống. Sống thì phải có tình, có tâm. Có buôn bán gì thì cũng phải thật thà, giữ chữ tín làm trọng".
“Có giai thoại là giờ triết của thầy Ngọ như giảng đạo, sinh viên đông nghẹt giảng đường, quên hết cả giờ giải lao?…”. Cũng có sự thực là học trò quý mình. Mình chỉ nghĩ, muốn thuyết phục được học trò qua bài giảng thì ông thầy trước hết phải tự thuyết phục được mình bằng chính những gì ông ta sẽ nói ra. Trên thương trường cũng thế. Muốn thành công thì phải tin vào mình. Có vấp thì cũng phải biết cách đứng dậy…
Trịnh Viết Ngọ không nói thêm nhưng tôi hiểu là ông đang nghĩ về cái cú ngã làm rúng động không chỉ cộng đồng người Việt ở Nga ở Đôm 5 ấy. Sau cú bị cảnh sát Nga “quét sạch” đó, nhiều người nghĩ, phen này, ông Ngọ… coi như tiêu!
Không phải lại bắt đầu sự nghiệp từ áo thun, quần bò bán lẻ như xưa, nhưng tất cả đều phải hoạch định lại. Và lại khẳng định vị trí “soái” của mình không chỉ bằng Trung tâm Thương mại Lion bề thế với gần 1.000 hộ buôn bán sầm uất giữa thủ đô nước Nga mà cả một Xí nghiệp may Liva tại Moscow, Công ty TNHH bắt cá xa bờ Đại Dương có trụ sở ở 97A Điện Biên Phủ, TP HCM và mới nhất là Công ty Cổ phần Long Mã tại Hà Tây. “Soái” Ngọ đã dành hàng trăm tỷ đồng đầu tư trên khu đất rộng hơn 20.000m2 ở ngay trên quê hương xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai. Hơn 600 công nhân đang sản xuất các sản phẩm may mặc đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000 xuất khẩu sang Nga và thị trường châu Âu .
Soái Ngọ tâm sự, với cùng số vốn mà tôi đầu tư trong nước, nếu làm ăn ở Nga bây giờ vẫn lãi hơn nhiều. Nhưng tôi lại nghĩ, đồng vốn mình đầu tư ở quê nhà có ý nghĩa nhiều hơn. Cứ mỗi lần về VN, nhìn các em, các cháu từ nhà máy của mình tan tầm đạp xe ríu rít chuyện trò, tôi xúc động vô cùng. Dù đi đâu, làm gì, mình cũng vẫn là người Việt, nơi trở về của mình cũng vẫn là quê hương. Có người cũng hỏi, bao giờ tôi sẽ về hẳn VN làm ăn sinh sống? Cũng chưa biết, cứ đi đi về về như hiện nay dù mệt nhưng vui . Rồi “soái” Ngọ cười: "Theo tử vi, cái con ngựa này là “Thiên lý mã”, vẫn phải đi nghìn dặm một ngày thì mới chịu!".
Theo đánh giá của Bộ Thương mại, trong tổng số kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam vào Nga năm 2002 khoảng 200 triệu USD thì xuất khẩu qua các doanh nghiệp tư nhân của người Việt ở Nga chiếm tới 140 triệu USD. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, người Việt tại LB Nga kinh doanh chủ yếu các mặt hàng sản xuất từ VN, do đó đã góp phần vào sự phát triển sản xuất ở trong nước. Theo tính toán chưa đầy đủ, tổng số vốn, tài sản của cộng đồng VN ở Liên bang Nga đầu tư vào các quầy hàng ở chợ, ốp, trung tâm thương mại khoảng 300 triệu USD. Trong đó, vốn của một số cơ sở sản xuất tại LB Nga (sản xuất giày dép, quần áo, mì ăn liền,gia vị…) chiếm khoảng 30 triệu USD. Các cá nhân doanh nghiệp cộng đồng người Việt tại LB Nga cũng đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở trong nước. Ước tính hiện nay có hơn 20 dự án với số vốn từ vài trăm ngàn đến 5-10 triệu USD đang hoạt động hoặc đang được tiến hành đầu tư ở VN. Hàng năm, nếu tính trung bình mỗi người VN ở LB Nga chuyển về cho thân nhân trong nước để tiêu dùng tích lũy hoặc đầu tư sản xuất, kinh doanh khoảng 1.000 USD/người thì lượng kiều hối của cộng đồng chuyển về trong nước cũng đạt ít nhất 100 triệu USD/năm. Tuy nhiên, do hiện nay chưa có chi nhánh ngân hàng VN ở Nga nên dịch vụ kiều hối còn nhiều rủi ro. |