Về nhà, đoàn viên, sum vầy… là những cụm từ được gắn "hashtag" nhiều nhất trên Facebook trong những ngày cận Tết. Ai cũng mong mỏi sớm được trở về bên gia đình dịp này. Tết còn xa lắm với những người lính ngoài đảo xa dõi mắt canh biển đảo, người lái xe khách bám cung đường, hay những người lao công làm sạch phố phường… Thế nhưng nhiều bạn trẻ sớm được trở về nhà, chưa trân quý đúng mực những giây phút quây quần, đoàn viên.
Trần Nam - chàng sinh viên trong phim ngắn “Tết thật - Tết ảo” được chia sẻ mới đây trên mạng xã hội, cũng là một người con xa quê may mắn trở về nhà trong vòng tay gia đình. Tuy nhiên sở thích "sống ảo" khiến Nam bớt xén quỹ thời gian bên gia đình, tận hưởng không khí Tết ấm áp, để chạy theo những lời tán thưởng trên Facebook.

Trần Nam đăng ảnh khoe quà Tết tặng cha mẹ trên Facebook.
Chàng trai trẻ quan niệm, cơm có thể không ăn, việc nhà có thể không làm, nhưng không được quên “cúng” Facebook ngày vài bức ảnh. Đó là ảnh "check-in" đường về nhà, khoe quà Tết tặng cha mẹ... Chàng trai trẻ còn giả bộ giúp gia đình gói bánh chưng Tết để nhận về những lời khen ngợi, tán thưởng.
Thời đại số hóa, chìm trong cuộc sống của thế giới ảo khiến nhiều người đánh mất hạnh phúc quý giá bên gia đình. Niềm vui sum họp không bằng những lời chúc tụng, dòng bình luận tán thưởng hay đơn giản là số lượt "like" trên mạng xã hội.

Chàng trai trẻ giả bộ giúp mẹ gói bánh chưng Tết để nhận được những lời khen ngợi, tán thưởng.
Nhiều bạn trẻ quên mất rằng ngoài đời thực,Tết đang phảng phất nỗi buồn của mẹ, tiếng thở dài của cha. Những người ngóng trông con về để cùng nhau chia sẻ khoảnh khắc sum vầy, thay vì Tết đến con cái mỗi người một nơi.
Đặt điện thoại xuống và ngưng sống ảo sẽ giúp bạn có một cái Tết thực sự ấm áp bên gia đình. Đây cũng là thông điệp ý nghĩa “Khi trở về, hãy thực sự trở về“ được truyền tải trong phim ngắn.

Bà mẹ ngóng con về đêm giao thừa, để cả gia đình thành tâm chắp tay cúng tất niên. Xem phim ngắn tại đây.
An San