
Người dân Thổ Nhĩ kỳ phải sinh sống và sưởi ấm cạnh những ngôi nhà bị sập do động đất. Ảnh: AP
Cơ quan quản lý thiên tai của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tới nay, các nhà chức trách xác nhận 12.391 người đã thiệt mạng trong lãnh thổ nước này và 2.900 người được cho là mất mạng ở phía biên giới Syria. Ngoài ra, hơn 60.000 người khác bị thương, hàng chục nghìn người mất nhà cửa.
Các đội cứu hộ khẩn cấp vẫn đang làm việc suốt ngày đêm ở thành phố Antakya để tìm kiếm người sống sót. Ở Diyarbakir, phía đông Antakya, lực lượng cứu hộ giải thoát được một người phụ nữ bị thương vào sáng sớm nay nhưng lại tìm thấy ba người bên cạnh cô đã qua đời, hãng DHA đưa tin.
Serap Arslan, một người sống sót, cho biết vẫn còn rất nhiều người bị vùi bên dưới các đống đổ nát, trong đó có mẹ và em trai cô. Người phụ nữ 45 tuổi nói: "Chúng tôi cố đào bới bằng những gì mình có nhưng dụng cụ của chúng tôi rất nghèo nàn, không đủ để làm được gì cả".
Trong khi đó, một người sống sót khác, Selen Ekimen, vừa lau nước mắt vừa nói cả cha mẹ và anh trai cô vẫn đang bị chôn vùi. "Không nghe thấy bất cứ tin gì của họ trong nhiều ngày rồi. Không một thông tin nào cả", Ekimen cho hay.
Các chuyên gia cho biết cơ hội sống sót của những người bị mắc kẹt đang giảm xuống nhưng vẫn còn quá sớm để mất hy vọng. "72 giờ đầu tiên rất quan trọng. Tỷ lệ sống trung bình trong vòng 24 giờ là 74%, sau 72 giờ là 22% và đến ngày thứ năm chỉ còn là 6%", Steven Godby - chuyên gia về các mối nguy hiểm tự nhiên tại Đại học Nottingham Trent, Anh - cho biết.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gặp gỡ những người dân bị ảnh hưởng bởi động đất hôm 8/2. Ảnh: Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Tayyip Erdogan, đến thăm Hatay - tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất, hôm 8/2. Người dân ở đây đang vô cùng tức giận với chính phủ, cho rằng lực lượng cứu hộ triển khai chậm trễ.
Theo cơ quan quản lý thiên tai, hơn 110.000 nhân viên cứu hộ hiện tham gia vào nỗ lực giải cứu và hơn 5.500 phương tiện, bao gồm máy kéo, cần cẩu, máy ủi và máy xúc được huy động. Tuy nhiên, con số này dường như vẫn là muối bỏ bể so với hàng nghìn tòa nhà bị sụp trong trận động đất.
Ông Erdogan, người đang phải đối mặt cuộc chiến cam go để tái đắc cử vào tháng 5, thừa nhận tồn tại vấn đề trong việc phản ứng khẩn cấp với trận động đất 7,8 độ hôm 6/2. Tuy nhiên, tổng thống cho rằng công việc cứu trợ bị ảnh hưởng một phần bởi thời tiết mùa đông. Ngoài ra, trận động đất cũng phá hủy đường băng tại sân bay Hatay, càng làm gián đoạn hoạt động ứng phó.
"Không thể chuẩn bị sẵn sàng cho một thảm họa dường này. Nhưng chúng tôi sẽ không bỏ mặc bất kỳ công dân nào", ông Erdogan nói. Đồng thời, ông cũng đáp trả những người chỉ trích chính quyền, nói rằng "những kẻ đáng khinh" đang lan truyền tin đồn dối trá, vu khống về các hành động của chính phủ.
Thảm họa xảy ra đúng thời điểm nhạy cảm với ông Erdogan, người đang phải đối mặt tình trạng suy thoái kinh tế và lạm phát cao. Dù vậy, ông cho biết sẽ phân phát 10.000 lira (532 USD) tới mỗi gia đình bị ảnh hưởng.
Hơn 20 quốc gia trên thế giới đang cử lực lượng tham gia ứng cứu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, tại Syria, cuộc chiến do phiến quân gây ra đang cản trở nỗ lực viện trợ của quốc tế. Bản thân Syria cũng là đang bị áp dụng các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến tranh.
Tùng Anh (Theo AP)