
Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn.
- Tham gia Liên hoan nhạc jazz châu Âu bốn lần liên tiếp, sự xuất hiện của anh lần này có gì đặc biệt?- Tôi không còn là đại diện duy nhất ở TP HCM như những lần trước, bên cạnh tôi bây giờ còn có Trần Mạnh Tuấn band.
- Anh có thể giới thiệu một chút về Trần Mạnh Tuấn band?
- Nhóm thành lập cùng thời gian Sax N'Art Club ra mắt. Ngoài tôi, các thành viên còn lại là Kim Quy (drums), Thanh Tân (bass), Minh Phương (piano), Thế Vinh (trumpet). Họ đều là những nhạc công chưa từng chơi nhạc jazz cho đến khi cộng tác CLB của tôi. Vì lẽ đó, chính tôi cũng hết sức bất ngờ về khả năng cảm thụ nhạc jazz của từng thành viên và sự tung hứng rất đồng điệu giữa chúng tôi.
- Anh và band đã chuẩn bị gì cho Liên hoan sắp tới?
- Từ khi nhận lời mời, chúng tôi đã cố gắng thu xếp tập luyện mỗi ngày. Phần biểu diễn của chúng tôi kéo dài khoảng 1tiếng với 8 bản nhạc jazz do chính tôi soạn. Đó đều là những bài jazz đậm màu sắc Việt, màu sắc phương Đông. Riêng những bài như: Ru rừng, Chợ phiên, Hẹn hò... còn mang âm hưởng làn điệu của các đồng bào dân tộc thiểu số.
- Lĩnh hội phong cách nhạc jazz từ nhiều nước, anh ảnh hưởng những gì từ nền nhạc jazz thế giới, đặc biệt là phong cách châu Âu?
- Tôi nghe nhiều và cũng nghiên cứu nhiều về nhạc jazz châu Âu, nhưng tôi có ấn tượng với jazz Mỹ và châu Phi nhiều hơn. Nền âm nhạc của họ đặc biệt có bản sắc và dễ tiếp cận với công chúng.
- Anh đã góp mặt trong nhiều Liên hoan nhạc jazz tại nhiều nước trên thế giới, điều gì đọng lại trong anh sau những lần tham dự?
- Sau những lần tham dự Liên hoan nhạc jazz Đức, Malaysia, Thái Lan... tôi luôn trăn trở với câu hỏi: "Tại sao chúng ta không thể tổ chức một Liên hoan nhạc jazz Việt Nam?". Cuối cùng, tôi cũng đành bỏ ngỏ câu trả lời với lý do: Chúng ta thiếu một đơn vị "dám" đứng ra tài trợ, vì e ngại có ít khán giả đến với jazz Việt. Thành thật mà nói, những nghệ sĩ chơi jazz xem các dịp Liên hoan là một cơ hội học hỏi. Chúng tôi tham dự vì đam mê chứ không vì tiền bạc. Vậy nên, dù đơn vị nào đó đứng ra tài trợ và lấy tên "Liên hoan jazz X, Y..." gì đó chúng tôi cũng rất sẵn sàng. Mặt khác, theo tôi, nhạc jazz nói chung và jazz Việt nói riêng chưa thể tiếp cận khán giả như những thể loại nhạc khác do còn ít sự dẫn dắt từ phía các cơ quan truyền thông.
- Vậy anh đặt hy vọng gì về một Liên hoan jazz Việt Nam?
- Phải hy vọng chứ! Đương nhiên, kết quả không thể có được trong một sớm, một chiều.
- Anh được xem là một trong những đại diện chính của thể loại nhạc jazz tại Việt Nam. Điều này đối với anh có ý nghĩa như thế nào?
- Là một vinh dự, nhưng điều đó không thể làm tôi ngộ nhận về vị trí của mình. Tôi tự hào vì được chơi nhạc jazz mang sắc thái và tâm hồn Việt Nam, được giới thiệu nó đến bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, tôi có được như vậy là do sự tin tưởng của công chúng, các vị lãnh đạo và cả những khán giả quốc tế.
- Anh từng tâm nguyện thành lập một CLB jazz, Sax N'Art Club đã đánh dấu tâm nguyện đó thành hiện thực. Tâm nguyện gì anh đang ấp ủ tiếp theo?
- Một trường tư thục đào tạo nhạc nhẹ với nhiều chuyên khoa âm nhạc. Người có đam mê đã theo học thì phải làm việc được, phải sống được với nghề.
- Việc Sax N'Art Club đắt khách ngay từ thời điểm vừa mở cửa đến nay đã chứng minh anh là một nghệ sĩ kinh doanh khá "cừ khôi". Với những kế hoạch tiếp theo, anh cảm thấy thế nào?
- Tôi tin là sẽ có nhiều người trong giới ủng hộ mình. Xin đừng gọi tôi là nhà kinh doanh, nghệ sĩ là danh từ cả đời tôi theo đuổi. Tôi rất sợ mất chất nghệ sĩ trong con người mình.