Khi Internet bùng nổ cũng là lúc các room chat, các diễn đàn online lên ngôi. Chỉ 1-2 năm trước thôi, những cửa sổ Yahoo Messenger đã thu hút hàng triệu bạn trẻ say mê, mải miết quên ăn, quên học, ngồi lì bên màn hình máy tính để… chat. Đã có rất nhiều những tình yêu ngọt ngào, những tình bạn đẹp thời @ được hình thành từ mail - chat, nhưng cũng không hiếm những tiêu cực xảy ra từ những mối quan hệ ảo đó.
Rồi đến thời sôi nổi của các forum online. Bất kì một trang web nào muốn được “ranking” cao đều phải phụ thuộc vào cái forum trên web đó có hấp dẫn hay không. Khi trẻ, người ta có nhu cầu nói lên chính kiến của mình và cái nhu cầu ấy sẽ được thỏa mãn nhiều hơn nếu ý kiến của bạn được nhiều nick khác quan tâm chia sẻ với mình. Bởi thế mà những diễn đàn như ttvnol.com đã trở thành một phần không thể thiếu được với cộng đồng ảo.
Diễn đàn online là ngôi nhà để cho bất kì ai, bất kì đối tượng nào cũng có thể tham gia và tìm được ở đó những người bạn của mình. Tuy nhiên, khi các diễn đàn chung mọc lên như nấm, những người quản lý trang web lại phải đối mặt với sự xô bồ của các thành viên. Có những nick xấu đã lợi dụng cái chung của diễn đàn để xả vào đó những câu nói thiếu văn hóa, những câu “ranh ngôn” không thể post nơi công cộng.
Bởi thế mà các forum cũng đang nhạt dần để dành chỗ cho blog (trang sáng tác) của các netizen (công dân net). Các blog giống như là những trang nhật kí online của mỗi người mê net. Ở đó người ta có thể tìm thấy những xúc cảm, những bức bối, những tâm sự đúng chất trẻ. Chủ nhân của những dòng cảm xúc ấy có thể viết lên blog để giữ làm của riêng cho mình hoặc thích thì gửi cho bạn bè, người thân và hét lên cho thế giới biết rằng tôi là thế đấy.
Chia sẻ cảm xúc qua thế giới SMS
Minh, một thành viên của Câu lạc bộ “Nhịp cầu xúc cảm”, kể: “Đêm Noel bạn bè đi chơi cả. Còn mình một đứa xa quê, lại chẳng có ma nào thèm yêu nên buồn đến nẫu ruột. Vô tình biết đến chương trình nhắn tin “Nhịp cầu xúc cảm” của số 8166, thế là mình thử bấm phím nhắn tin chơi. Và mình đã liên lạc trao đổi với một người xa lạ nhưng cũng cô đơn trong đêm Noel như mình. Tự nhiên có người đồng thanh tương ứng trò chuyện, mình thấy Noel cũng ấm áp ra trò”.
Tuấn (ĐH Kinh tế) cũng hào hứng: “Bị sa thải, buồn dã man con ngan. Nhưng không phải lúc nào cũng tâm sự dễ dàng với người thân, thế là mình nhắn tin qua dịch vụ 8166 và bắt sóng được một mã số cũng đang buồn vì bị phạt lương tháng. Cứ thế nhắn tin qua lại, thấy lại hợp nhau mới chết chứ”.
Minh tiếp: “Trên mạng, trên báo có câu lạc bộ kết bạn này nọ. Bây giờ qua mạng điện thoại di động chúng mình cũng thành lập được câu lạc bộ những người cô đơn, những người thích kết bạn. Số thành viên không dưới 60 người đâu. Sắp tới chúng mình sẽ tổ chức một buổi offline hứa hẹn thật tưng bừng đấy”.
Google qua mobile
Không bỏ qua mảnh đất màu mỡ này, các nhà kinh doanh đã cho ra đời những dịch vụ cung cấp nội dung qua 160 ký tự của tin nhắn, không thua gì việc cung cấp thông tin trên báo chí hay Internet.
Một nhóm bạn tụ tập ăn uống và đang muốn tìm là một quán pizza ngon ngon ở Sài Gòn. Một cô bạn ăn mặc sành điệu nhất nhóm rút ngay mobile ra nhắn tin nhoay nhoáy và đưa ngay một cái list tận 5 địa chỉ của cửa hàng pizza và bảo “nhắn tin đến 987 ý, cái gì chẳng có. Bây giờ sành điệu là phải chơi tin nhắn cơ”.
Rồi thông tin về tỷ giá vàng, thời tiết, địa điểm máy rút tiền ATM đều được cung cấp tỉ mỉ khi có khách hàng nào đó nhắn tin và yêu cầu. Tú (SV ĐH Dân lập Văn Lang) được mệnh danh là “tín đồ SMS” vì cô thuộc làu làu tất cả các lệnh soạn tin nhắn để cập nhật thông tin của một mạng nhắn tin khá nổi tiếng.
Thậm chí, các nhà cung cấp này còn tổ chức một cuộc thi theo kiểu Olympia qua tin nhắn. Ví dụ, trò chơi “Truy tìm Samurai Hiphop”của mạng nhắn tin 8266 cho phép khách hàng đăng ký chơi để nhận được những câu hỏi kiểm tra kiến thức trên tất cả mọi lĩnh vực.
Không quá khó như thi Olympia trên truyền hình, nhưng những câu hỏi kiểu như “Tuổi thọ của bạch huyết cầu là bao lâu?” hoặc hãy chọn phương án đúng trong câu “Chương trình nào không phải ngôn ngữ lập trình? a. Java; b. Excel; c. Turbo; d. Pascal” cũng khiến những bạn trẻ ưa thử thách ham mê vì phải “brainstorm” (động não).
“Cũng có cái thú riêng khi vừa nằm trên giường vừa bấm phím nhắn tin để thử xem trình độ kiến thức của mình đến đâu”, Tùng (PTTH Việt Đức). Một kiểu học cũng rất đúng kiểu thời mobile của 8X, 9X.
Giống như chat, forum, blog, cần phải có thời gian để biết xu hướng sử dụng tin nhắn nội dung sẽ được ưa chuộng đến mức nào. Nhưng rõ ràng, tin nhắn nội dung đã và đang đi vào đời sống hàng ngày của giới trẻ bởi tính tiện ích và mới mẻ của nó.
(Theo An Ninh Thủ Đô)