Thị trường điện thoại xách tay tại Việt Nam luôn nhộn nhịp, sôi nổi kẻ bán người mua với đa dạng chủng loại, từ phân khúc phổ thông đến các sản phẩm cao cấp. Sự phong phú mẫu mã cùng với mức giá thành hợp lý khiến nhiều người tìm đến các nguồn hàng xách tay để thỏa mãn sở thích, đam mê. Một phần không nhỏ trong số này là các sinh viên, học sinh, những người trẻ đam mê công nghệ nhưng mức tài chính không thực sự thoải mái.

Smartphone xách tay đa phần là những phiên bản khóa mạng nội địa Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Mỹ phân phối với mức giá thấp đi kèm với các cam kết, ràng buộc của nơi bán ra. Chúng không thể sử dụng đa quốc gia như phiên bản quốc tế được phân phối chính hãng. Những smartphone khóa mạng được thương gia chuyển về Việt Nam theo đường xách tay và mua mã mở mạng để sử dụng như các phiên bản quốc tế.
Thế nhưng những sản phẩm này thường gặp tình trạng sóng điện thoại chập chờn không ổn định và hệ điều hành cài sẵn không tương thích với nhu cầu sử dụng ở Việt Nam. Dù các lập trình viên tại cửa hàng hoặc trên diễn đàn công nghệ chỉnh sửa và cho ra những phiên bản hệ điều hành phù hợp với nhu cầu người dùng Việt nhưng đa phần vẫn không thể ổn định như hệ điều hành do nhà sản xuất cung cấp. Nhưng với mức giá hấp dẫn hơn rất nhiều so với hàng chính hãng mà cấu hình và ngoại hình vẫn tương tự khiến smartphone xách tay trở thành sự lựa chọn của nhiều người. Đơn cử như flagship G3 của LG, trong khi phiên bản D855 được phân phối chính hãng tại Việt Nam có mức giá 12 triệu đồng thì phiên bản xách tay lại có mức giá chỉ khoảng hơn 9 triệu đồng. Hay như smartphone chống nước Sony Xperia Z3 phiên bản xách tay chỉ có mức giá khoảng 9,5 triệu đồng còn hàng chính hãng đắt hơn tới 5,5 triệu đồng.
Với mức giá rẻ, các thiết bị này dần trở thành lựa chọn hàng đầu với nhiều người dùng Việt bất chấp những rủi ro có thể xảy ra. Do là hàng xách tay, không phải chịu bất cứ loại thuế nào, rất khó để người dùng có thể nhận biết hoặc xách định trên giấy tờ nguồn gốc xuất xứ của máy. Nguy cơ gặp phải hàng giả, hàng nhái rất cao nếu những "thương gia đen" tận dụng lòng tin của khách hàng mà trục lợi. Do lợi nhuận cao, không ít cửa hàng sẵn sàng nhập hàng kém chất lượng, hàng dựng lại từ những chiếc máy đã hỏng hóc nhưng vẫn rao bán với nguồn gốc máy được nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cùng với đó, chế độ bảo hành chắc chắn sẽ không thể được đảm bảo như khi mua hàng được phân phối chính hãng. Nhiều cửa hàng đưa ra chính sách bảo hành mập mờ, đến khi máy gặp lỗi liền đổ thừa do người dùng sử dụng sai quy cách dẫn đến hỏng máy. Ngoài ra, việc thay thế linh kiện cũng khó có thể đảm bảo khi nguồn gốc linh kiện cũng không rõ ràng, nếu thay thế những linh kiện kém chất lượng, tuổi thọ và độ bền của máy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng. Cũng có trường hợp các chủ cửa hàng khi nhập máy về đã thay thế linh kiện như pin, sạc… bằng những linh kiện kém chất lượng khiến tăng nguy cơ hỏng hóc. Nhiều khách hàng phản ánh LG G2 xách tay đang dùng bỗng loạn cảm ứng. Khi bảo hành, các cửa hàng thường từ chối trường hợp này và cho rằng lỗi loạn cảm ứng xuất hiện khi người dùng sử dụng sai phụ kiện sạc cáp, gây xung điện thiết bị.
Trước khi quyết định mua những chiếc smartphone xách tay, người mua nên tỉnh táo cân nhắc, tìm hiểu thật kỹ sản phẩm, hoặc tốt nhất là chọn cửa hàng bán sản phẩm có uy tín lâu năm, đã được kiểm chứng hạn chế tối thiểu những rủi ro.
Nguyễn Thành