Vừa bê bát miến canh và đĩa bánh bột lọc ra cho khách, chủ quán vừa đon đả chào mời bằng "liên thanh" mô, tê, răng, rứa khi trông thấy nhóm sinh viên đồng hương Hà Tĩnh bước vào. Mấy người khách đang ăn thích thú ngoái lại nhìn và cố nắm bắt câu chuyện. Họ không ngạc nhiên bởi biết mình đang có mặt ở một quán ăn đặc sản miền Trung.
Nặng lòng với món ăn quê hương và cũng để bớt nhớ nhà, nhóm sinh viên miền Trung ở Hà Nội mở quán bán đặc sản bánh bèo và miến canh ở đường Doãn Kế Thiện, Hà Nội.
![]() |
Dũng phải về tận quê để kiếm được nguyên liệu đặc trưng cho món ăn này. |
Phạm Đức Hùng (sinh viên năm cuối, trường ĐH Mỏ - Địa chất) một trong 4 thành viên sáng lập quán cho biết: "Nhiều đồng hương muốn ăn bánh bột lọc, bánh canh đúng chất miền Trung nhưng ở Hà Nội rất hiếm. Vì thế chúng mình đã mở quán này".
Lúc khai trương, điều đầu tiên nhóm quan tâm chính là tìm được đầu bếp giỏi. Nhiệm vụ ấy sau đó được giao cho Dũng (ĐH Mỏ - Địa chất). Ở quê, gia đình Dũng cũng mở quán ăn nên cậu có nhiều kinh nghiệm nấu nướng và chế biến hai món bánh canh và bánh bột lọc. Là con trai nhưng Dũng khéo léo với vai trò của đầu bếp chính, đảm bảo cho món bánh có hương vị đặc trưng. Các thành viên khác từng là nhân viên của một số quán cơm văn phòng và cà phê ở Hà Nội nên khá am hiểu về cách chiều lòng khách.
Để có được món bánh canh đúng vị, Dũng phải về tận quê nhập nguyên liệu. Riêng với bánh bèo, nguyên liệu rất dễ kiếm ở Hà Nội nhưng khâu nhào bột mới làm nên cái chất vùng miền trong từng miếng bánh. Nước dùng để nhào bột phải ở một nhiệt độ nhất định thì bột mới dẻo, mịn, không bị vón cục.
"Đầu bếp" Dũng bật mí, điểm nhấn của cả hai loại bánh nằm ở nước dùng. Khi chế nước dùng cho bánh canh thì lửa phải thật đều còn với bánh bèo lại cần một tỷ lệ chuẩn giữa các loại gia vị thông thường như đường, mắm, dấm, nước lọc. Một chút nước me pha cùng sẽ làm nước dùng đúng khẩu vị của người miền Trung. Mỗi bát bánh canh ở đây giá sinh viên, chỉ 17 nghìn đồng còn bánh bèo 10 nghìn đồng/đĩa.
Quán của nhóm mới đi vào hoạt động được khoảng 2 tháng đã thu hút số lượng khách khá đông, đặc biệt là các dịp cuối tuần. Khách tìm đến ngoài những người con miền Trung đang học tập, công tác ở Hà Nội thì đa phần là sinh viên gần đó.
![]() |
Một trong những đầu bếp của quán đang chuẩn bị làm bánh. |
Trung bình mỗi ngày quán của Dũng thu được từ 500 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng. Niềm vui lớn nhất của nhóm khi kinh doanh món đặc sản là sự bền chặt giữa các thành viên, cùng chia sẻ đam mê và tình cảm đối với quê hương.
Ngoài khoản thu nhập ổn định để trang trải phụ phí học tập, sinh hoạt, các bạn trẻ còn giúp kết nối tình yêu quê hương, tạo nên một địa chỉ tin cậy để hội đồng hương Hà Tĩnh offline. Từ ngày mở quán, nơi đây trở thành điểm hẹn của những người con miền Trung và những vị khách yêu thích món ăn miền nắng gió.
Không khéo nấu nướng như Dũng, Vy (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cùng em trai buôn đặc sản quê hương, chè Thái Nguyên. Mỗi lần về quê chơi, mẹ Vy đều gói ghém cho con gái ít chè để bán. Thu nhập không cao nhưng công việc này giúp chị em cô đỡ khoản tiền tàu xe mỗi lần về quê.
Để có được nguồn hàng chất lượng, Vy nhờ mẹ chọn lựa những loại chè thượng hạng nhất. So với các loại chè được bán ở Hà Nội, chè của Vy giá cao hơn nhưng chất lượng đảm bảo hơn. Vy cho hay, do mới tập kinh doanh nên hiện khách của cô đa số do người quen giới thiệu, chủ yếu là sinh viên có nhu cầu mua để biếu, tặng. Một số khách hàng lớn tuổi mua để thưởng thức đúng vị chè Thái Nguyên. Nữ sinh năm hai trên cũng đăng thông tin này lên Facebook rồi tag bạn bè vào để mở rộng hơn khách hàng.
Không quá quan trọng về nguồn thu, điều mà những bạn trẻ kinh doanh đặc sản quê hương mong muốn chính là khát khao được kết nối, được thể hiện tình yêu quê hương cũng như quảng bá món ăn đặc sản với đông đảo mọi người.
Đinh Thùy