(Hình minh hoạ) |
Hồi anh Bảy còn làm lãnh đạo một cơ quan, mỗi buổi chiều tan sở anh bận lắm: khi hứa bàn công chuyện làm ăn với đơn vị nọ, lúc kẹt tiếp khách với cơ quan kia tại quán. Anh Bảy nhậu nhiều đến nỗi quán nào cũng ao ước được một lần anh Bảy đặt chân đến. Quán mới khai trương, anh Bảy mà dự thì kể như hốt bạc.
Anh Bảy không thích uống bia mà “chịu” mỗi rượu Tây, càng đắt tiền càng tốt. Ngoại ngữ “một chữ cắn đôi không bể” nhưng nhãn hiệu rượu Tây anh đọc như gió! Đàn em hiểu ý anh nên chờ đến ngày lễ, Tết đem rượu Tây đắt tiền đến biếu. Nhiều quá, chị Bảy phải tìm cách bán cho trống nhà.
Rượu Tây phải ăn với đặc sản cho trúng bài bản, nếu không sẽ mất ngon. Anh Tám “chịu” món cua gạch son, anh Năm chuyên "trị" rắn hổ, anh Ba ưng món rùa rang muối, chú Mười húp món cháo dơi. Để phục vụ các “sếp”, chủ quán phải đặt trước từ những lái chuyên săn rắn vùng U Minh hay mấy tay sát thủ rừng xanh.
Tiếp theo là khâu “em út” ngồi phục vụ trong bàn nhậu. Khoản này phải nhắc đến Lý tiên sinh. Lúc còn làm ở Văn phòng UBND tỉnh, Lý tiên sinh cứ chờ đi công tác huyện. Cán bộ về huyện nhậu gì cũng được, sau đó Lý tìm đến nhà hàng để thăm “người vợ không bao giờ cưới”. Vì vậy, hễ vừa thấy Lý từ canô bước lên đã có người gọi điện đến nhà hàng đặt trước em Diễm phục vụ Lý.
Chú Tư Quàn thích nhậu có “em út” ngồi kế bên để vui vẻ. Bây giờ chú Tư đã về hưu nhưng mỗi lần hội nghị chú đều có mặt. Ăn cơm hội nghị xong, máu phong lưu hồi còn đương chức của chú Tư trở lại, chú nhất nhất phải đến quán này, quán nọ để thăm mấy em. Tóc chú Tư trắng như bông nhưng nghe các em kêu bằng “ông ngoại” là chú nổi nóng và liền kêu đổi em. Ai vui miệng cắc cớ hỏi chú Tư: “Già rồi còn thích gặm cỏ non?”, chú cười đắc ý: “Răng rụng hết gặm cỏ già sao nổi!”.
Theo Công An TP HCM, đi cùng với các “sếp” cũng dân chơi thứ thiệt, toàn là đại gia hay giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn đang có chuyện phải nhờ vả. Bận nọ, nhân bữa tiệc mừng thọ thân mẫu của một đại gia Việt kiều Mỹ giàu nứt đố đổ vách tỉnh B, thấy xe hơi đậu kín cả góc đường, người dân trong xóm tụm năm tụm bảy lại xem. Người tự trọng bỏ về ngán ngẩm khi phải chứng kiến trò “rửa tiền” của đại gia để lấy lòng “sếp” bằng phiếu rút thăm trúng thưởng: cao nhất 5 triệu đồng, thấp nhất 2 triệu đồng. Tiệc mừng thọ có người hát phục vụ hẳn hoi. Sau mỗi bài hát, vị đại gia nọ cầm xấp tiền dán keo sẵn, lần lượt mời “sếp” dán lên bất cứ chỗ nào trên người hát. Lúc đó, “sếp” không còn chú ý đến bài hát, chỉ chờ cho hát xong để dán tiền.
Cổ nhân bảo: “Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, quả không sai. lúc quá đà, tăng hai, tăng ba, “sếp” coi trời bằng nửa con mắt nên gặp chuyện phiền lòng. Mấy chục năm trước, danh công tử Bạc Liêu nổi đình nổi đám ở miền Tây; còn hiện nay, H.N.T.H - Phó giám đốc một công ty ở Bạc Liêu - cũng không thua kém. Chẳng biết hứng chí thế nào, từ thị xã Bạc Liêu, ông H. rủ thêm 2 nhân viên công tác chung cơ quan đến ấp Phước Thạnh, Long Thạnh, Vĩnh Lợi nhậu bia ôm. Đồng hồ điểm 0h ông không hay không biết, cứ hát, cứ ôm. Chủ quán thấy vậy cho ông phó giám đốc “thả cửa” để anh em thoải mái. Nào ngờ 0h30, Công an Vĩnh Lợi tiến hành kiểm tra phòng số 3, quán Cần Thơ, bắt gặp ông H. và 2 nhân viên đang mùi mẫn với mấy em. Tới nước này, ông H. đành chịu trận.
Thông tin về L.Q.N - đội trưởng Đội Kiểm tra Liên ngành 814 tỉnh Cà Mau - nhậu bia ôm quán B.C.D bị Đội Kiểm tra Liên ngành 814 TP Cà Mau bắt làm ồn ào dư luận mấy tuần qua. Trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo sở đề nghị N. giải trình vấn đề trên. N. thừa nhận nghe T.P.H - thành viên của đội - rủ đi nhậu, N. đồng ý nhưng đề nghị H. phải đến quán B.C.D và đã bị Đội 814 TP Cà Mau kiểm tra phát hiện. N. còn khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Tôi tới quán B.C.D chỉ với mục đích nhậu để khảo sát địa bàn chứ không có ý định ôm. Tôi nghe nhiều dư luận xấu tại đây nên đi thực tế nhằm xây dựng kế hoạch kiểm tra hiệu quả hơn” (?).
Nhậu đối với một số sếp giờ như chuyện thường ngày ở huyện. Cứ nhậu, cứ vui, tiền ngân sách cả ấy mà!