Hà Trần. |
- Sau một năm định cư tại xứ người, chị đã sinh sống, lập nghiệp ra sao?
- Tôi đã sang Mỹ hai lần ngắn ngày theo lời mời trao đổi văn hóa. Thế nhưng khi sang để định cư thì đối diện một đời sống khác hẳn. Sự hụt hẫng, xa lạ là điều dĩ nhiên. Hai tháng đầu tôi còn cảm thấy mình stress nhẹ, ủ ê buồn. Nhưng rồi sau đó cũng quen dần đi. Hai vợ chồng đi làm từ 7h sáng đến 19h tối về lại nhà. Tôi có thời gian học máy tính, làm nhạc, học phong cách làm việc khoa học, hát tiếng Anh...
Mỗi ngày trong tuần, tôi làm nhân viên văn phòng cho Trường đại học quản trị kinh doanh SCUPS nơi chồng quản lý. Cuối tuần thì đi hát vài chỗ giải trí của cộng đồng người Việt. Và chỉ đi hát vào cuối tuần.
- Những người từng yêu quí giọng ca Hà Trần đã tiếc nuối rằng sao chị vội theo chồng bỏ cuộc chơi, sao hi sinh nghề hát trên quê hương để đến nơi xứ người xa lạ. Chị nghĩ gì về ý kiến này?
- Có thể tôi đã có được một chút thành công. Nhưng thành công cũng có mặt trái là tạo sự sợ hãi về tâm lý (bản tính thật của tôi rất tĩnh lặng và hướng nội).
Áp lực công việc, sự nổi tiếng, những thành quả... đè nặng bởi lúc nào tôi cũng phải làm cái mới hơn cái cũ. Mà trời thì mưa nắng thất thường, đâu phải cái gì mình muốn cũng như ý. Khi có trục trặc thì người ca sĩ rất dễ bực bội và stress. Tôi không yêu giọng hát của mình đến độ phải kiệt lực làm việc để rồi sụp đổ hoàn toàn.
Đến một lúc nào đó, người ta chợt nhận ra thứ quí nhất trên đời chỉ đơn giản là: được nghỉ ngơi, được nhẹ nhàng trong suy nghĩ, thư thả trong tâm hồn. Thời gian đã định cư tại Mỹ như một chặng nghỉ trên dặm đường dài của tôi. Mỗi người có thể nhìn nhận và đánh giá khác nhau về sự lựa chọn đã qua của tôi.
Hà Trần cùng các nhạc công người Mỹ. |
Song với riêng mình, tôi thấy mình là người may mắn. Việc hòa nhập đời sống xứ người cũng trôi chảy và không gặp nhiều khó khăn xáo trộn lớn. Đặc biệt là tôi có một ông xã rất hiểu, động viên và luôn ủng hộ việc tôi gắn bó với âm nhạc. Sự lạc quan, tính khôi hài của anh ấy đã là điểm tựa cho tôi vượt qua mọi khác biệt về môi trường sống.
Tất nhiên, tôi đã có dịp nhìn lại mình, chiều chiều đạp xe đạp hai cây số ra bờ biển Huntington gần nhà để tận hưởng sự tĩnh lặng và thanh bình. Để rồi nhận ra nghề ca là máu thịt, tình cảm của công chúng nghe nhạc dành cho mình là vô giá. Nhưng giờ đây tôi sẽ tự định liều lượng làm việc, xuất hiện theo sự tiết chế hợp lý.
- Cảm nhận riêng của chị về đời sống âm nhạc trong nước hôm nay như thế nào?
- Tích cực! Thị trường âm nhạc VN vẫn luôn phát triển, sôi động, năm sau tiến hơn năm trước. Ngày càng nhiều ca sĩ trình độ và thông minh, có khả năng gắn bó với dòng chảy thị trường mà vẫn thể hiện được dấu ấn và cá tính riêng trong sáng tạo nghệ thuật. Nhạc Việt không còn một chiều như trước mà đã cân bằng, phong phú giữa nhiều dòng nhạc, nhiều phong thái và diện mạo mới. Ba đêm diễn mới nhất của tôi ở Sài Gòn vừa ấm áp vừa nồng nhiệt mang lại cho tôi niềm hạnh phúc...
Ước mơ gần nhất của tôi là về Việt Nam hát một chương trình riêng có sự hợp tác của các nhạc công jazz chuyên nghiệp vốn là bạn bè bên Mỹ. Họ đã làm nhạc cho ba ca khúc Việt Nam (Dòng sông mùa thu - Trần Tiến, Dấu phố em qua - Nguyễn Bình, Em về tinh khôi - Quốc Bảo).
Tôi ra đi rồi lại quay về chứ có mất đi đâu. Ngưng hát chứ có nghỉ hát đâu. Sự hào hứng vẫn đong đầy và Hà sẽ về hoài thôi, hẹn gặp hai tháng nữa nhé.