Theo ông Bùi Văn Mật, Giám đốc Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội, hiện đang là thời điểm cuối mùa cạn kiệt, nên nước bổ sung cho các giếng rất khó khăn, cộng thêm vào đó thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước tăng rất cao. Do mất điện nên lượng nước mà công ty cung cấp hằng ngày có phần giảm hơn so với trước. Khi có điện đầy đủ, mỗi ngày công ty cung cấp được 420.000 m3/ngày nhưng hiện tại sản lượng này chỉ đạt khoảng 330.000-340.000 m3/ngày.
Việc mất điện trên diện rộng đã được Công ty Điện lực Hà Nội thông báo trước và thời gian mất mỗi đợt cũng không lâu nên công ty cũng chủ động được phần nào.
Nếu tình trạng mất điện vẫn tiếp diễn trong những ngày tới thì các khu vực ở phía tây và tây bắc thành phố Hà Nội (những địa bàn do Nhà máy Nước Mai Dịch, Cáo Đỉnh cấp nước thuộc quận Cầu Giấy, một phần quận Đống Đa, Ba Đình) sẽ là những điểm nóng về nước sinh hoạt. Tuy là trung tâm nhưng quận Hoàn Kiếm vẫn có một số khu vực bị mất nước. "Nếu tình hình tiếp tục diễn ra bất lợi, chúng tôi sẽ phải cấp nước theo giờ và bằng xe stéc, nhưng đối tượng ưu tiên hàng đầu phải là bệnh viện, nhà trẻ, còn các khu vực dân cư thì phải xem xét, bởi xe stéc chỉ có khoảng 5-10 m3 thì không biết cấp bao nhiêu cho đủ", ông Mật nói.
Cũng theo thông tin ông Mật cung cấp cho PV Thanh Niên, nhà máy nước không thể dùng máy phát điện để cung cấp nước vì một nhà máy nước ít nhất cũng phải tiêu thụ 750 KW/h, cao nhất là 2.000 KW/h. Nếu dùng máy phát điện dự phòng thì ít nhất cũng phải là vài trăm KVA mới có thể đủ cho một nhà máy nước. Hệ thống phát điện dự phòng chỉ được đặt ra ở thời kỳ chiến tranh. Nếu ngành điện có thể điều phối cắt điện theo trạm thì còn có thể phát nước được, còn cắt điện theo tuyến như hiện nay thì ngành nước không còn đối tượng nào là ưu tiên cả.