Chủ tịch kiêm CEO Boeing James McNerney. |
Trước khi trở thành người đứng đầu Boeing, McNerney nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại General Electric (GE) và 3M. Tại mỗi tập đoàn này, McNerney đều khẳng định đẳng cấp của một nhà quản lý hàng đầu.
18 năm gắn bó với GE, McNerney lần lượt kinh qua các chức vụ trọng yếu, từ chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty động cơ máy bay GE, chủ tịch GE Châu Á - Thái Bình Dương, phó chủ tịch GE Capital, một trong những công ty dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới. Khi McNerney được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty sản xuất động cơ máy bay GE vào năm 1997, nhiều người dự đoán chính ông sẽ là người chèo lái cả tập đoàn GE sau này.
Trong 3 năm McNerney giữ chức tổng giám đốc GE Aircraft Engines, doanh thu của đơn vị tăng từ 6,3 tỷ USD lên 10,6 tỷ USD, lợi nhuận tăng từ 1,2 lên 2,1 tỷ USD. Trong thời kỳ này, GE Aircraft Engines cũng là công ty có lợi nhuận lớn thứ hai của GE. Một thành công khác của McNerney tại GE Aircraft Engines là nối lại quan hệ, vốn bị gián đoạn trước đó giữa công ty này với Boeing, giúp GE Aircraft Engines giành được hợp đồng cung cấp động cơ GE90 cho Boeing 777.
Năm 2001, McNerney chuyển sang tập đoàn công nghệ 3M, trở thành tổng giám đốc của tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, công nghiệp tiêu dùng và y tế. Cổ phiếu của hãng này tăng 11% sau khi McNerney nhậm chức.
McNerney là "người ngoài" đầu tiên nắm vị trí lãnh đạo tại tập đoàn gia đình đã tồn tại hơn 100 năm này. Trước khi đón lãnh đạo mới, 3M đang trên đà tuột dốc. McNerney đã đề ra mục tiêu vực tập đoàn tăng trưởng với tốc độ hai con số. Ông quyết định tái cơ cấu toàn bộ tập đoàn, trong đó yêu cầu cắt giảm 6.000 việc làm, tương đương 7% nhân công. Đồng thời, McNerney tiến hành xếp loại nhân viên, thưởng phạt rõ ràng, giúp doanh số 3M gia tăng.
Một phần quan trọng trong chiến lược của McNerney là ý tưởng 3M Acceleration. McNerney và các cộng sự sắp xếp lại đội ngũ kỹ sư của công ty theo hướng vẫn cho phép các nhóm nghiên cứu và thiết kế duy trì sự tự chủ nhất định, đồng thời đòi hỏi cao về hiệu quả và sản lượng.
McNerney tuyên bố: "Tôi muốn tạo ra những nhân viên buổi sáng thức dậy với ý nghĩ trong đầu mình có thể làm gì giúp công ty phát triển".
McNerney cũng được coi là người tạo nên dấu ấn mới cho 3M với lối suy nghĩ không ngừng đổi mới công ty và tăng cường sự trung thành của các nhân viên. Năm 2003, doanh thu của 3M đạt 18,2%, tăng 11,6% so với năm trước. Giá trị cổ phiếu năm 2004 của hãng này cũng tăng 38% so với năm 2003.
Tháng 6/2005, McNerney được mời về làm Tổng giám đốc Boeing. Để mời được McNerney, tập đoàn có nguồn vốn 52 tỷ USD và 153.000 nhân công này đã chi 53 triệu USD, một nửa trong số đó là để mua lại cổ phần của McNerney tại 3M.
Từ trước khi chính thức gia nhập Boeing, McNerney đã được coi là một người kỳ cựu trong ngành công nghiệp máy bay và cũng đã có mặt trong các hoạt động của hãng này từ 2001.
Hưởng mức lương 1,75 triệu USD một năm tại Boeing, McNerney gánh trọng trách không hề dễ dàng, đó là dẫn dắt tập đoàn này vượt qua đối thủ châu Âu Airbus để trở thành nhà sản xuất máy bay thương mại số 1 thế giới.
Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác của McNerney là hàn gắn mối quan hệ của hãng này với Lầu Năm Góc, vốn xấu đi trông thấy trong vài năm gần đây và đã khiến Boeing vuột mất một hợp đồng trị giá 23 tỷ USD.
Năm nay 57 tuổi, vị tổng giám đốc này từng là sinh viên cả đại học Yale và học MBA tại Harvard. Ông có 5 người con với 2 đời vợ. Khi còn là sinh viên tại Đại học Yale, McNerney chơi cùng đội bóng rổ với Tổng thống Bush. Hiện McNerney là người giàu thứ 135 trên thế giới với tài sản trị giá 10,3 tỷ USD.
(Theo VnExpress)