![]() |
Chơi xe hơi cũ là cả một nghê thuật. |
Nếu như cách đây 2 năm, giá ô tô cũ có độ chênh khá nhiều so với xe mới thì do ảnh hưởng của đợt tăng thuế (tiếp đó là tăng giá xe của hàng loạt hãng ô tô) hồi đầu năm vừa rồi, giá xe cũ đã nhích lên đáng kể. Tuy nhiên, do chưa bị hạn chế về mặt đăng ký như xe máy nên giá ô tô cũ vẫn mềm, kinh tế hơn với người tiêu dùng.
Giá cả là một yếu tố quan trọng đối với người sử dụng khi mua xe cũ. Với các chủ xe đăng ký trước thời điểm 1/2004 thì họ bán xe hầu như không lỗ, bởi giá xe sau thời điểm đó tăng lên gần 30%.
Một chiếc xe Lanos mới hiện nay giá khoảng trên 16.000 USD. Đăng ký và nộp thuế mất khoảng 1.000 USD nữa. Trong khi đó xe chạy khoảng 1 năm (biển T, đăng ký cuối 2003), được rao bán với giá 14.600 USD, tức là giảm 2.500 USD. Đó là giá được rao, còn với dân sành thì chiếc xe này giá chỉ suýt soát 14.000 USD.
Các loại xe khác cũng vậy. Xe Zace, giá mới 27.000 USD (chưa đăng ký), nhưng sau khi chạy chừng 1 năm, giá giảm còn khoảng 23.000 USD. Xe Premacy, biển U, đăng ký được 6 tháng, giá rớt chừng 3.000 USD so với giá mới...
Thông thường, xe mới, đổ xăng và chạy thử xong là giá giảm ngay chừng 1.000 USD, chưa kể lỗ tiền đăng ký. Xe chạy sau một năm, giá rơi khoảng 3.000 USD, sau hai năm thì rơi khoảng 4.000 USD (so với giá xe mới vào thời điểm bán).
Với giá cả mềm đáng kể như vậy (giảm đến 40-50 triệu đồng/xe), sự chú ý của người tiêu dùng vào xe mới là chuyện dễ hiểu. Nhất là nếu chịu khó để ý có thể mua được những xe gần như mới (vừa đăng ký xong được một hai tháng) mà dân trong nghề gọi là "hàng lướt".
Một số nhãn hiệu xe mới toanh như Lacetti (Daewoo) đã nhanh chóng thấy xuất hiện trên thị trường "đồ cũ" với giá mềm. Một "chợ xe" cũ đã hình thành với sự tham gia của hàng chục gara ô tô để khai thác thị trường béo bở này.
Không phải ai cũng dám mua xe ô tô cũ. Bởi không đơn giản như chiếc xe máy, nên rất nhiều người đã chọn giải pháp mua xe mới tinh, có bảo hành của hãng để yên tâm tuyệt đối. Giá trị của nhiều chiếc xe hơi có khi bằng cả căn nhà (dòng xe từ trên 30.000 USD tới cả trăm nghìn USD), nên sự đắn đo của người mua là điều dễ hiểu.
Với người tiêu dùng Việt Nam, xe hơi cũng là mặt hàng tương đối mới mẻ, ít người tiêu dùng hiểu biết để có thể vững tâm khi mua. Nhờ qua người quen thông thạo về xe, thì không ít người "dính chưởng" khi ngay cả người quen cũng có thể "cài cắm" để kiếm ít tiền cò (thường cả trăm đôla).
Và nếu không phải người trong nghề, chỉ là dân biết lái xe, thì khó lòng phát hiện được những mánh khoé "mông xe" rất tinh vi của dân làm ăn.
Trước nhất, xe đã qua tay thợ, bao giờ cũng được trau chuốt kỹ lưỡng. Những vết va quệt, xước sát đơn giản được đánh bóng, nặng hơn thì mang đi sơn lại. Chỉ các "chuyên gia" mới phát hiện được chỗ nào sơn lại, chỗ nào không, chứ tay lơ mơ thì đừng hòng phát hiện được.
Nếu không phải thợ, chỉ nhìn biển số và số km đã chạy, chẳng ai dám nghĩ chiếc xe đã va quệt nhiều thế! Theo thợ, những chỗ sơn lại bao giờ cũng bóng hơn, không có độ sần như sơn xịn. Giá sơn hiện nay khoảng 400.000 - 500.000 đồng/cửa xe, sơn lại cả xe khoảng 7-8 triệu đồng. Chỉ những xe bị tai nạn nặng mới sơn lại cả xe.
Mua xe cũ, thường kỵ nhất là gặp xe tai nạn nặng, do tâm lý cũng như chất lượng xe. Vào nhiều gara thấy có những xe bị đâm đến mức biến dạng. Nhưng không dễ phân biệt được xe tai nạn, hoặc mức độ tai nạn, vì sau khi được phù phép bởi bàn tay các thợ, với hệ thống linh kiện thay thế dễ dàng của các xe đời mới, hầu hết các xe "có vấn đề" đều phục hồi đến 80% so với xe nguyên bản.
Theo Kinh Tế Đô Thị, mua bán loại xe này, dân buôn thường trúng lớn. Họ gạ mua lại xe tai nạn với giá rẻ (vì tâm lý chủ xe muốn bán ngay để giải hạn), rồi mông má lại và bán cho người tiêu dùng với giá cao.
Nhưng, tất nhiên, số xe như vậy không nhiều. Có điều, để có thể mua được chiếc xe tốt, nguyên bản, đòi hỏi người mua phải có bản lĩnh, có hiểu biết về xe. Thị trường này, vì thế, vẫn chủ yếu dành cho họ.