![]() |
"Tôi tin rằng nhiều bạn trẻ tại VN đủ sức cạnh tranh và giành được học bổng từ các trường ĐH của Mỹ", Lương Việt Quốc, người vừa tốt ghiệp cao học hạng xuất sắc ở Trường ĐH Cornell (Mỹ) nhận định với Tuổi Trẻ. Theo bạn Quốc, điều trở ngại lớn nhất đối với các bạn muốn đi du học có lẽ là thiếu thông tin: có các loại học bổng gì mà mình có thể tự xin, ai có thể nộp đơn, tiêu chí tuyển chọn như thế nào, nên nộp đơn vào trường nào, lấy hồ sơ từ đâu, điền hồ sơ như thế nào, phải hoàn tất các kỳ thi nào... và cuối cùng là thời gian chuẩn bị cần thiết và kế hoạch hành động kể từ khi có ý định nộp đơn cho đến khi nhận được học bổng và chính thức nhập học. Loại học bổng phổ biến nhất mà các trường ĐH Mỹ cấp là hỗ trợ tài chính (financial aid). Đổi lại, người nhận học bổng phải làm trợ lý nghiên cứu (research assistant) hoặc trợ giảng (teaching assistant) mỗi tuần 20 giờ. Làm trợ lý nghiên cứu cũng là một dạng đào tạo qua công việc, giúp sinh viên có cơ hội áp dụng ngay kiến thức đã học vào thực tiễn, có cơ hội làm quen với việc nghiên cứu. Trường nào, khoa nào cũng cần có trợ lý nghiên cứu và trợ giảng để giúp việc các giáo sư nên học bổng dạng này có nhiều, tương đối dễ xin. Đa số sinh viên cao học từ các nước đến Mỹ dưới dạng học bổng này. Tất cả những người đã tốt nghiệp ĐH (có hoặc không có kinh nghiệm làm việc) hoặc sinh viên năm cuối ĐH đều có thể xin học bổng này. Đa số trường ĐH của Mỹ không yêu cầu người tốt nghiệp ĐH ngành nào phải học cao học theo đúng ngành đó. Ví dụ bạn có thể học ĐH chuyên ngành toán và nộp đơn xin học bổng cao học ngành kinh tế. Kinh nghiệm làm việc hoặc kinh nghiệm nghiên cứu cũng không phải là điều kiện bắt buộc (tất nhiên nếu có bạn sẽ có lợi thế). Nhiều ngành/trường cũng không yêu cầu phải học thạc sĩ trước khi học tiến sĩ. Nhờ đó nhiều sinh viên ĐH có thể học thẳng lên chương trình tiến sĩ. Do vậy đa số sinh viên có thể hoàn tất chương trình tiến sĩ ở tuổi 27-28. Đây là điều bình thường và phổ biến. Loại học bổng làm việc được chọn dựa trên năng lực (merit-based) và cạnh tranh bình đẳng. Vì vậy nó vừa dễ vừa khó. Dễ vì cơ hội có nhiều, cửa luôn luôn mở với mọi người. Trường lừng danh cũng có, trường kha khá cũng có, trường trung bình cũng có. Khó là vì mình phải cạnh tranh với sinh viên từ khắp nơi trên thế giới, phải chứng minh là mình “mạnh” hơn, xứng đáng hơn người khác. Do đó việc chọn trường vừa sức cạnh tranh của mình là rất quan trọng. Câu hỏi đầu tiên sẽ là nộp đơn vào trường nào? Câu trả lời là tùy theo sức cạnh tranh của bạn và chiến lược nên áp dụng là “trải rộng”. Nên chọn một số trường hàng đầu (trên sức cạnh tranh của mình một chút), một số trường vừa tầm và một số trường an toàn mà mình chắc đậu. Làm sao biết trường nào là hàng đầu, vừa tầm và an toàn? Có hai cách: thứ nhất, hỏi giáo sư hoặc những người đi học trước; thứ hai, tìm các bảng xếp hạng (ranking) trên Internet. "Ví dụ đối với ngành kinh tế nông nghiệp, tôi vào Google và gõ: "agricultural economics ranking". Từ danh sách tìm kiếm của Google, tôi tìm được một bảng xếp hạng do một giáo sư thực hiện, trong đó Berkeley đứng nhất, UC Davis thứ hai... Tôi chọn một số trường đứng đầu danh sách và một trường hạng 17 làm trường an toàn", Quốc nói kinh nghiệm của mình. Có rất nhiều cuộc nghiên cứu xếp hạng các trường/ngành học Mỹ. Các trường ở Mỹ có thể đứng nhất ngành này nhưng lại đứng thứ hạng thấp ở ngành khác. Do vậy các bạn phải tìm theo ngành chứ không nên tìm đơn thuần theo danh tiếng chung của trường. Ví dụ Harvard đứng nhất về kinh tế nhưng lại không giỏi lắm về công nghệ thông tin. Các bạn có thể tìm thấy bảng xếp hạng của rất nhiều ngành học khác nhau từ địa chỉ sau: http://www.phds.org/rankings/. |