Săn hàng “non” Chính vì thế mà chỉ trong hai tuần, giấy sang tay quyền mua cổ phiếu Bệnh viện Bình Dân đã nhảy vọt gấp 6 lần mệnh giá. Vụ bán “lúa non” Bệnh viện Bình Dân hứa hẹn sẽ còn tiếp diễn với các bệnh viện đang muốn tiếp nối Bệnh viện Bình Dân làm cổ phần hoá. Còn hiện giờ OTC đang truyền miệng nhau về nhà hàng Ngọc Sương trên đường Lê Quý Đôn đang chuẩn bị cổ phần hoá khiến nhiều người nhấp nhổm muốn sở hữu cổ phần nhà hàng này. Hàng có thông tin kèm theo càng nóng hơn. Hợp tác với Arsenal, cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai biến ngay thành cổ phiếu được ưa chuộng với mức giá hiện gấp khoảng 12 lần mệnh giá. Giá của Mai Linh, Vinasun, Nhựa Tân Hoá... cũng đang từ từ tịnh tiến. Theo chuyên gia tài chính Lâm Thành Hưng, cách mua bán sang tay lúc đầu chỉ loanh quanh trong vài người thân quen, nhưng sau lợi nhuận ngày càng cuốn nhiều người vào. Hậu quả của bài học nhà đất rắc rối bao lâu nay chỉ vì tờ giấy sang tay không rõ ràng sẽ còn được thấy qua cách mua bán “nắm đằng lưỡi” như vậy. “Thuốc” của “cò” Mốt bây giờ ở thị trường OTC là hàng phải gắn liền với thông tin trúng thầu làm ăn, bán quyền mua cổ phiếu, cổ phiếu thưởng… dù là những thông tin không kiểm chứng. Mua bán thế nên người có đất hoạt động nhất trên OTC là “cò”. Buổi chiều cứ đến trước sân Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) đứng lóng ngóng một lúc là được cò bước tới hỏi ngay. Có những cò hạng tép riu, chỉ muốn tìm vài đồng cò mồi. Nhưng giờ đã có vài cò “đại gia” xuất thân là “đại cổ đông” của một công ty, nhờ nắm được nhiều thông tin mua bán nên nhảy ra đứng môi giới luôn. Thậm chí cò còn mang cả máy đếm tiền, máy fax… đến sàn một công ty chứng khoán để dễ dàng chỉnh tên sang nhượng ngay tại chỗ. Cò thường nói rằng họ có được thông tin công ty bị “rò rỉ”, rồi từ đó tha hồ “thuốc” người mua. Nội chuyện một công ty dầu khí ở Vũng Tàu khoan trúng 2 lô ngoài khơi bị “rò rỉ” đã kéo bao người nhấp nhổm muốn mua. May mà Uỷ ban Chứng khoán nhà nước cho xác minh thông tin và đính chính. Nhiều người vẫn còn nhớ vụ làm giá sống sượng ở cuộc đấu giá 900.000 cổ phiếu Kido ngày 23/1 vừa rồi. Giá khởi điểm là 27.000 đồng/cổ phiếu, vậy mà giá đặt mua cao nhất lên đến 80 triệu đồng/cổ phiếu, khiến ông Trần Quốc Nguyên, giám đốc Kido thành thật nói với nhà đầu tư là ông nghĩ giá 80 triệu có sự nhầm lẫn. Chính vì thế, không chỉ những người ít kinh nghiệm bị cò dẫn dắt, những người có kiến thức cũng khó khăn lựa chọn hàng trong mê hồn trận thông tin. Như chị Thoa, một nhân viên kinh tế, vừa nghe đồn Vinasun sắp chia cổ phiếu thưởng, có người đảm bảo mấy năm liền làm ăn có lãi, đã mạnh tay mua 5.000 cổ phiếu taxi Vinasun với giá 60.000 đồng/cổ phiếu, vì chị sợ sẽ bỏ mất hiện tượng một Mai Linh nữa. (Theo Sài Gòn Tiếp Thị) |