Ngày 19/11, căn cứ quá trình điều tra và những tài liệu thu thập, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao đang làm rõ sự liên quan trong phân bổ quota dệt may những năm qua của một số quan chức Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp.
Ông Mai Văn Dâu. |
Khám xét nơi làm việc và nơi ở của ông Mai Văn Dâu, cơ quan công an đã thu giữ được 9 bộ tài liệu quan trọng liên quan việc điều tra làm rõ những hành vi phạm tội của ông Dâu và một số cán bộ khác.
Trong các buổi kiểm điểm tại Bộ Thương mại trước ngày bị bắt giữ, ông Dâu phủ nhận toàn bộ trách nhiệm của mình và khẳng định không vi phạm pháp luật. Nhưng cơ quan điều tra có bằng chứng về việc ông Dâu ký nhiều văn bản sai với quy định của Chính phủ trong việc cấp hạn ngạch. Đó là việc ông Dâu đã chỉ đạo và yêu cầu lãnh đạo và chuyên viên của Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại giải quyết cấp hạn ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ trái quy định như: quyết định cấp sai tiêu chuẩn trong khi hồ sơ chưa đủ hóa đơn hợp pháp; bút phê xét duyệt vào hồ sơ xin cấp quota của doanh nghiệp khi chưa có dấu văn thư của Bộ Thương mại. Ông Dâu đã trực tiếp nhận hồ sơ không đúng quy định và đã yêu cầu Vụ Xuất nhập khẩu cấp hạn ngạch cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện.
Ông Dâu còn có dấu hiệu buông lỏng quản lý để cho Vụ phó Vụ xuất nhập khẩu Bộ Thương mại Lê Văn Thắng và các chuyên viên Bùi Hồng Minh, Nguyễn Việt Phú lợi dụng việc xét cấp quota để nhận hối lộ, dẫn đến tình trạng tiêu cực, mua bán, chuyển nhượng hạn ngạch xuất khẩu trái pháp luật tại Bộ Thương mại.
Theo Thanh Niên, khi Bộ Thương mại phát hiện ra những sai trái này và đề nghị ông Mai Văn Dâu thu hồi quota đã cấp, ông Dâu vẫn bỏ qua và tiếp tục trực tiếp giải quyết. Có nhiều loại quota doanh nghiệp không đề nghị nhưng cũng được ông Dâu cho phép cấp, hoặc doanh nghiệp đề nghị ít lại được ông chỉ đạo "cấp" nhiều.
Một số lần đoàn công tác kiểm tra về việc cấp quota đã phát hiện nhiều doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn xuất hàng và kiến nghị thu hồi quota đã cấp, nhưng ông Mai Văn Dâu không chỉ đạo thu hồi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này biến việc buôn bán quota thành một thị trường "chợ đen", gây náo loạn công tác xuất khẩu hàng dệt may và làm giàu cho một số quan chức có thẩm quyền trong lĩnh vực xét cấp hạn ngạch.