Trên thị trường sách đang có bán cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh loại bỏ túi của tác giả Vũ Chất, do NXB Trẻ ấn hành. Theo lời NXB, việc xuất bản cuốn từ điển "chỉ mong góp thêm cho bạn đọc một tài liệu tham khảo trong học tập, nghiên cứu và sử dụng tiếng Việt". Tiếc thay, với những sai sót trong sách, cuốn từ điển không những chưa đáp ứng được mong muốn khiêm nhường đó mà còn gây ra những hiểu lầm tai hại về tiếng Việt cho người sử dụng.
Lỗi nghiêm trọng nhất ở trong cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh là định nghĩa sai khá nhiều từ. Thí dụ như từ "khai quật" được định nghĩa là "đào mồ lên". Giải thích như thế là sai, là nhầm lẫn với từ "quật mồ", "quật mả". "Khai quật" là đào bới để tìm ra, lấy lên cái chôn vùi trong lòng đất, như khai quật di tích thành cổ Thăng Long tìm thấy đầu rồng lớn làm bằng đất nung, khai quật mộ cổ lấy lên xác ướp đã mấy trăm năm...
Từ "bụi đời" được tác giả định nghĩa là người lăn lóc cực khổ nhiều trong xã hội, thế nghĩa là cứ ai chịu nhiều gian truân, vất vả đều thành bụi đời bất kể họ có nghề nghiệp, nhà cửa nghiêm chỉnh, sống đàng hoàng, tử tế. Vậy thì trong xã hội ta có vô khối kẻ bụi đời. Nghĩa chính xác, đầy đủ của từ bụi đời là chỉ những người sống lang thang, không nhà cửa, không nghề nghiệp.
Buồn cười hơn cả là từ "buồn cười" được tác giả giải thích rất ngô nghê là... buồn mà cười. Định nghĩa dở đến mức như thế thì không còn gì để nói. Chưa cần đến các nhà ngôn ngữ học khả kính, chữ nghĩa đầy mình giải thích mà bất cứ một người bình thường nào với đầu óc bình thường cũng có thể giải thích được buồn cười là không nhịn được hoặc khó mà nhịn được cười; làm cho không nhịn được cười...
Từ "đơn giản" thì được đánh đồng với từ "sơ sài", rõ ràng là đơn giản với sơ sài có nghĩa khác hẳn nhau mà chẳng cần phân tích bất kỳ ai cũng hiểu được điều đó.
Không chỉ định nghĩa sai mà cách định nghĩa cũng rất tối nghĩa, không thể hiểu nổi. Từ "buồm" được định nghĩa như sau: tấm đan bằng lá để gắn lên ghe gió bộc chạy đi. Trong số độc giả có ai hiểu và cắt nghĩa được câu văn bí hiểm này không? Còn tác giả bài báo này đã cất công đến tận Viện Ngôn ngữ học ở 20 Lý Thái Tổ (Hà Nội) nhờ một vị giáo sư có uy tín và là một trong những người tham gia biên soạn cuốn Từ điển tiếng Việt loại lớn của Viện Ngôn ngữ học, nhưng vị giáo sư sau hồi lâu ngẫm nghĩ cũng đành bó tay xin chịu.
Chưa kể những lỗi khác, như nhầm lẫn giữa các từ trong tiếng địa phương với các từ trong tiếng phổ thông, dẫn đến những định nghĩa nhầm lẫn, có nhiều từ in sai cũng không được đính chính, thể hiện cách làm cẩu thả, coi thường độc giả của tác giả và NXB Trẻ.
Điều đáng lo ngại nhất là trên bìa cuốn từ điển này có in dòng chữ dành cho học sinh. Dùng những cuốn từ điển như thế này các em sẽ có những cách hiểu lệch lạc, méo mó về tiếng mẹ đẻ.
(Theo Nhân Dân)