Khi vệ sinh nồi cơm điện, đa phần mọi người sẽ chỉ rửa lòng nồi và bề mặt mà bỏ qua mâm nhiệt, nắp bên trong và lỗ thoát khí. Ba bộ phận này nếu không làm sạch định kỳ không chỉ bị giảm khả năng làm nóng, tăng thời gian nấu, mà còn tiêu tốn nhiều điện năng. Vi khuẩn tích tụ từ các vết bẩn còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng món ăn và sức khỏe của bạn.
1. Mâm nhiệt
Nếu các tạp chất trên mâm nhiệt không được làm sạch kịp thời, nó sẽ bị biến dạng theo thời gian. Có quá nhiều vết bẩn trên mâm nhiệt cũng ảnh hưởng đến tính dẫn nhiệt, khiến thời gian nấu chín của nồi cơm điện lâu hơn hoặc không thể làm chín gạo.
Bên cạnh đó, các vi khuẩn như Ecoli hay Salmonella có thể tồn tại trong cặn bẩn và dễ dàng lây nhiễm vào cơm khi nấu, gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm. Cặn bẩn, đặc biệt là thức ăn thừa bị cháy khét bám trên mâm nhiệt có thể sản sinh ra các hợp chất polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs). Đây là những chất có khả năng gây ung thư nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể.
Cách vệ sinh mâm nhiệt bằng kem đánh răng:
- Bạn hãy chuẩn bị một chiếc bàn chải đánh răng đã qua sử dụng. Bóp một ít kem đánh răng lên bề mặt mâm nhiệt, làm ướt bàn chải rồi bắt đầu cọ rửa. Kem đánh răng có tác dụng làm sạch các vết bẩn lâu ngày trên mâm nhiệt.
- Đừng quên kỳ cọ cảm biến ở giữa mâm nhiệt.
- Cuối cùng, lấy giẻ ướt sạch lau sạch cặn bẩn.
2. Nắp bên trong nổi cơm
Phía trên lòng nồi cơm điện có một nắp nhôm và vòng đệm kín xung quanh. Chức năng của nó là ngăn nước trong nồi không bị trào ra khi sôi. Nếu bộ phận này không được vệ sinh, bụi bẩn sẽ sinh sôi, thậm chí tạo ra nấm mốc.
Ngoài ra, khi đun nóng, cặn bẩn bốc mùi, ảnh hưởng đến hương vị của cơm và có thể gây kích ứng đường hô hấp, đặc biệt với người nhạy cảm.
Cách vệ sinh nắp bên trong nồi cơm:
Nắp bên trong nồi cơm có thể tháo rời. Bạn hãy rửa sạch rồi lau khô trước khi lắp lại.
3. Lỗ thoát khí
Có một lỗ thông hơi trên nồi cơm điện. Khi cơm sôi, một ít khí sẽ thoát qua đây. Tuy nhiên, khí thải thường lẫn với một số mảnh vụn thức ăn và chúng bám trên lỗ thoát khí. Theo thời gian, lỗ thoát khí sẽ bị bao phủ bởi một lớp cặn gạo dày và hơi nước. Vì vậy chúng ta cũng cần phải vệ sinh bộ phận này thường xuyên.
Cách vệ sinh lỗ thoát khí:
Bạn hãy tháo ra nắp thoát khí và rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước chảy để làm sạch cặn bám trong các khe hở, sau đó lắp lại vào nồi cơm điện.
Phạm Linh (Theo Sohu)