Nokia và con "dế Tàu" giống nhau y chang, nhưng giá lại khác một trời một vực. |
Có model chỉ ghi chung chung là điện thoại MP3 hoặc MP4. Có model mang tên lạ hoắc như Xiao Sheng... và cũng có model nhái tên các hãng tiếng tăm. Ai cũng quen gọi nó là "dế Tàu".
Những khu phố chuyên
Bốn năm trước, tại TP HCM chỉ có một vài cửa hàng bán điện thoại di động nhập hàng từ Trung Quốc về. Thấy bán được, nhiều cửa hàng nối đuôi nhau tìm mối nhập hàng. Đường ba tháng hai, Hùng Vương... (quận 10), Nguyễn Kiệm (Gò Vấp) là những khu phố dế Tàu như thế. Dù bên ngoài những cửa hàng này có treo biển của các hãng danh tiếng nhưng chủ yếu bán dế Tàu.
Chủ cửa hàng X.M. cho biết, trước đây, khu phố này bán hàng cũ, hàng tút lại, hàng trôi nổi..., nhưng kể từ khi dế Tàu ồ ạt nhập về Việt Nam, nhiều cửa hàng đã chuyển sang bán dế Tàu vì “dễ sống” hơn bán hàng cũ. Không những bán lẻ, nhiều cửa hàng của những khu phố này còn là đại lý để phân phối hàng về các tỉnh. Chưa biết được từng cửa hàng lãi bao nhiêu nhưng đã nhiều năm qua đi, những cửa hàng đó vẫn còn, vẫn có khách ra vào, còn model điện thoại thì thay đổi liên tục theo nhu cầu của thị trường...
Rẻ như dế Tàu
Dù là nhái theo những model đang ăn khách hoặc là mang kiểu dáng riêng, điểm chung của dế Tàu là thiết kế bên ngoài thô, khớp nối không sát, giao diện (tiếng Việt hoặc tiếng Anh) sai lỗi chính tả... Một chủ cửa hàng trên đường Nguyễn Kiệm cho biết, ngày nào bán tốt cũng được 6 - 7 chiếc, tệ lắm cũng được vài chiếc. Mối mua chính là bán sỉ về tỉnh. “Tuy lãi có thấp hơn nhưng bán được nhiều”, anh B., một trong những “tổng đại lý” chuyên tìm hàng về bỏ sỉ cho các cửa hàng bán lẻ tiết lộ. Theo anh, mỗi chiếc lãi 10 - 20% tuỳ theo giá trị của máy. Vì không phải là hàng phân phối chính thức nên giá hoàn toàn do các cửa hàng định đoạt, miễn là bán được hàng.
Với mức giá từ 1,1 triệu tới 2,5 triệu đồng, người mua, đa số là giới trẻ. “Giá phù hợp với thu nhập, mẫu mã cũng được và quan trọng hơn là các tính năng như nghe nhạc, xem phim đều có cả”, Cẩm Tú, sinh viên năm thứ ba đại học Ngân hàng cho biết. Một chuyên viên kỹ thuật điện tử cũng vừa mua một chú dế Tàu với giá 2,5 triệu đồng bổ sung: “Với giá này, còn có cả màn hình cảm ứng”.
Rất ưa đổ bệnh
Chất lượng máy, theo khảo sát của phóng viên, chủ yếu là “hên xui”, trong đó số khách không gặp may mắn trội hơn. Theo thống kê từ anh T.B., một thợ chuyên sửa chữa dế Tàu cho các cửa hàng, chỉ sau 1 - 3 tháng, những căn bệnh sau đây xuất hiện trên dế Tàu: pin yếu, mất nguồn, màn hình trắng, lỗi phần mềm (tự động mất sóng, nhắn tin màn hình sẽ tự động tắt)... Tiền sửa, nhẹ thì 100.000 đồng nếu chỉ bị lỗi phần mềm, nặng có khi tới 300.000 đồng. “Khi đã hư thì giải pháp thường gặp là vứt”, anh T.B. nói.
Đem phân tích một máy có màn hình cảm ứng, sử dụng hệ điều hành Windows Mobile; mới phát hiện ra, giao diện chỉ là hình nền. Khi chạm vào màn hình, thực chất là kích hoạt một phím tắt để chạy chức năng tương ứng. Còn lại không thể soạn thảo văn bản, excel như các máy sử dụng đúng hệ điều hành Windows Mobile.
Ôm mộng thiết kế riêng cho mình một model điện thoại di động để cạnh tranh trên thị trường, anh V.H. bốn lần qua Thẩm Quyến và Thanh Đảo, gặp 30 đối tác để rồi cuối cùng, từ bỏ ước mơ trên. Anh kể: “Muốn đặt hàng với giá nhất định kiểu nào cũng có. Nơi nào có uy tín thì họ chẳng chịu làm ăn với mình vì số lượng hàng đặt quá ít, chỉ vài ngàn chiếc”. Anh cho biết, giá thành của một chiếc điện thoại có chức năng gọi và nghe thông thường, chỉ có giá từ 200.000 đồng - 300.000đồng/chiếc, còn những model có thêm chức năng nghe nhạc MP3, xem phim MP4 giá khoảng 600.000 đồng, loại có màn hình cảm ứng giá khoảng 800.000 đồng. Những model này khi nhập về Việt Nam được bán với giá từ 1 triệu đồng cho đến 2,5 triệu đồng tùy theo tính năng của máy.
Cố vấn kỹ thuật của một hãng điện tử ở Việt Nam cho biết, chỉ cần gắn thêm một chíp DVD là máy đọc được thẻ nhớ, giải mã hình ảnh để xem phim MPEG4. Theo ông này, đa số các hãng Trung Quốc sử dụng hàng của hãng MTK, một hãng chiếm 60% thị phần chíp DVD. “Giá chip này khoảng 4,5 USD, cho một đơn hàng 1.000 cái”, ông cho biết. Tính ra, chủ hàng Trung Quốc chỉ mất thêm 100.000 đồng, là đã nâng giá bán lên gần gấp đôi.
Anh K., hiện là cố vấn cho một công ty chuyên kinh doanh điện thoại di động đã nhiều lần qua Trung Quốc để tìm những nguồn hàng rẻ về bán, kể rằng ở Thẩm Quyến, khách có thể chọn mẫu trong các thùng mainboard điện thoại, gắn thêm cổng USB hoặc chip xử lý hình ảnh, sau đó đặt vỏ, viết phần mềm (khá đơn giản) là có ngay một mẫu điện thoại di động, muốn gắn tên gì cũng được. Từ nguồn linh kiện khá phong phú này, đã có công ty ở Thái Lan sử dụng để sản xuất điện thoại di động, bán tại Thái Lan, Việt Nam...
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)