Mua thức ăn nhanh tại cửa hàng KFC, 74/2 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM. |
Sẽ là cực đoan nếu cho rằng “fast-food” dùng để nói về những món ăn nhanh của "Tây" từ lâu được người Sài Gòn đón nhận. Thật ra, nói như bà Joan Carter, phát ngôn viên Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ, thì “thức ăn nhanh không chỉ có riêng ở Mỹ, món phở của người Việt Nam, món mì của người Hoa, món Tandori cay xè của người Ấn đều là những loại thức ăn nhanh rất bổ dưỡng”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Nữ, làm việc tại văn phòng đại diện của một công ty nước ngoài, nói: “Môi trường làm việc của tôi đòi hỏi phải tiếp xúc, giao thiệp với người nước ngoài. Mỗi khi có dịp mời đối tác, khách hàng đi ăn nhẹ để trao đổi công việc hoặc trò chuyện, tôi thường mời họ đến các cửa hàng fast - food cho tiện, đến giờ thì tôi đã thành khách “ruột” của KFC".
Anh Phong cho biết nhiều bạn bè của anh đồng quan điểm: Với thực đơn gồm những món như gà rán, cá loại burger cá, heo, tôm, xúc xích, phô mai..., giá tiền 10.000-40.000 đồng/món, fast - food không phải là món ăn quá xa xỉ. Vì ngoài những món ăn ngon, lạ miệng, thực khách còn được ngồi trong phòng máy lạnh thoáng mát, bàn ghế sạch sẽ, phục vụ ân cần... tạo cho thực khách cảm giác mình “sang trọng” hơn.
Nói về fast-food, chuyên gia nấu ăn Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân vui vẻ kể: “Mỗi khi dạy nấu ăn cho người nước ngoài, tôi thường nói vui rằng Việt Nam cũng có fast-food, và thú vị nhất là fast-food của ta đã có từ thời xưa. Những món bình dân hằng ngày chúng ta vẫn thường ăn như gỏi cuốn, bánh mì, bánh bèo, bánh bột lọc, phở, xôi, bánh cuốn... là món ăn nhanh của Việt Nam đấy”.
Theo cách hiểu này thì thực đơn fast-food của Việt Nam không chỉ dừng lại ở một vài món mà là cả kho tàng ẩm thực với những món ăn quen thuộc, “bình dân”. Có lẽ nó đã quá quen thuộc với mọi người nên chẳng ai buồn quan tâm đó là thức ăn chính hay thức ăn nhanh. Sáng sớm, trên đường đi làm, ghé qua quán ăn ven đường, gọi tô phở nóng hay đĩa bánh cuốn còn nghi ngút khói... thế là có được bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng. Bận rộn thì tạt vào mua gói xôi, ổ bánh mì... Cô Cẩm Vân cũng cho rằng sự có mặt của hệ thống nhà hàng fast- food không những không ảnh hưởng đến văn hóa ẩm thực Việt Nam; mà ngược lại, trên một giới hạn nhất định, còn bị Việt hóa, tạo thêm màu sắc, hương vị cho ẩm thực Việt Nam.
Vài năm trở lại đây, doanh thu mang lại từ các cửa hàng ăn nhanh ở TP HCM tăng đáng kể. Đây chính là động lực để các hệ thống nhà hàng ăn nhanh đầu tư xây dựng thêm nhiều cửa hàng trực thuộc. Chỉ tính từ nay đến cuối năm, TP sẽ có thêm 3 cửa hàng ăn nhanh mới (2 thuộc Lotteria, 1 thuộc KFC).
Ông Nguyễn Anh Tuấn, quản lý tiếp thị hệ thống Lotteria, nhìn nhận: “Doanh thu bán hàng của hệ thống đang tăng lên hằng ngày. Chúng tôi đang nghiên cứu làm cách nào để tiếp cận mọi tầng lớp lao động, mang sản phẩm đến từng nhà, từng người sao cho fast-food trở thành món ăn quen thuộc, tiện lợi”.
Không chỉ Lotteria mà các đơn vị cung cấp thức ăn nhanh khác cũng đang có kế hoạch “chinh phục” mọi tầng lớp, lứa tuổi. Các hệ thống như Lotteria, KFC, Jolibi... đều có bộ phận chuyên nghiên cứu khẩu vị, thói quen ăn uống của người Việt, từ đó điều chỉnh gia vị chế biến cho phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng. Ngoài ra, các công ty còn tìm hiểu mức sống người dân, tính toán giá cả sao cho có được những sản phẩm chất lượng, tương ứng với thu nhập của đại đa số. Để cạnh tranh nhau và thu hút khách, các cửa hàng ăn nhanh liên tục tung ra những chương trình khuyến mãi giảm giá hấp dẫn.
Theo Người Lao Động, fast-food chính thức có mặt trên thị trường TP từ những năm đầu thập kỷ 90, đến nay đã trở nên phổ biến. Những cái tên KFC, Chicken Town, Lotteria, Jolibi... từ lâu quen thuộc với người dân TP. Là món ăn mới mang hơi thở công nghiệp hiện đại nên các cửa hàng fast-food thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Và, để tranh thủ sự quan tâm chú ý của đông đảo khách hàng, hầu hết cửa hàng ăn nhanh được đặt tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại...
Theo kết quả điều tra của các cửa hàng cung cấp thức ăn nhanh, thực khách có độ tuổi trung bình từ 20-45, chủ yếu là những nhóm bạn bè, gia đình... tham quan mua sắm kết hợp ăn uống tại chỗ. Ngoài ra, nhiều nhân viên làm việc tại chỗ cũng chọn nhà hàng ăn nhanh làm nơi tiếp khách, gặp gỡ bạn bè, vừa ăn vừa trao đổi công việc.