Màu xanh của những tán cây rừng ven các tuyến đường chạy vào những cụm rừng của huyện Bảo Lâm (bao bọc thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đã làm giảm sút niềm tin của PV Tuổi Trẻ về nạn phá rừng mà người dân phản ảnh. Bởi trong tầm mắt, rừng thông tự nhiên, thông nhân tạo, rừng nguyên sinh với thân cây hơn một vòng tay người ôm vẫn xanh mát, rì rào.
Tuy nhiên, người dẫn đường giải thích: "Đó chỉ là rừng ngụy trang thôi. Các bác cứ theo tôi". Nói rồi chiếc "xe Tàu" của "thổ địa" rẽ phải, luồn qua đám rừng thẳng đứng, men theo lối đi tuy rất nhỏ nhưng rất mòn chạy về hướng tây vào khu Cầu 2. Thật bất ngờ, sau khi lọt qua khỏi đám rừng "ngụy trang", trước mắt là bạt ngàn những rẫy chè bao lấy những rẫy cà phê cao thấp đủ cỡ nối tiếp nhau chạy xa tít.
Điều đáng nói là những đám rẫy này mọc lên trên những gốc cây rừng san sát nhau nằm trơ trụi. Đây là vụ xóa sổ rừng mới nhất tại khu vực Cầu 2. Các lực lượng bảo vệ rừng tuy có phát hiện lập biên bản vụ này nhưng chỉ phát hiện sau khi rừng đã mất và cà phê con đã được ươm.
Địa điểm đến tiếp theo là khu Đồi Đá nằm giữa hai xã Lộc Phú và Lộc Lâm thuộc các tiểu khu 438a, 438b, 439... Chiều cao của những cây chè, cà phê mà con người trồng thấp hơn các gốc cây rừng đã bị đốn hạ, nên hình ảnh những cánh rừng chỉ còn trơ trọi có mỗi gốc cây thật sự tạo cho những ai đặt chân đến đây một cú sốc nặng nề.
Lại có nhiều khoảnh rừng thông từng được Nhà nước bỏ tiền ra trồng đã bị đốt cháy sém đang dần khô lá úa cành. Còn đây là những cây rừng cổ thụ đang bị giết chết bằng cách đẽo vỏ xung quanh gốc làm cây mất nước chết dần (dân rừng gọi là "ken"). Ngay phía dưới những đám cây bị đốt, bị "ken" đang chờ chết như thế hiện diện những hố đào đã cắm những cây cà phê con 6-7 lá mầm.
Không tài nào xác định bao nhiêu cánh rừng bị tàn phá, chỉ biết giờ đây đứng nhìn thì "tầm nhìn xa trên 10 km" là rẫy. Bên cạnh đó, rừng Lộc Ngãi với diện tích hơn 3.000 ha, trong đó hơn 300 ha là rừng trồng đang ngày một thu hẹp. Những người phá rừng vẫn đang ngày đêm triệt phá.
Cứ thế, theo "thổ địa" thì hết năm này sang năm khác khi cây rừng nằm xuống cũng là lúc diện tích đất rừng biến thành đất nông nghiệp lọt thỏm vào bàn tay tư nhân. Ai thích thì canh tác, không thích rao bán với giá 15-50 triệu đồng/ha tùy vị trí. Nguồn lợi này là một trong những lý do chính khiến nhiều người xông vào phá rừng.
Lúc này, vào rừng Bảo Lâm có thể nghe, thấy các hoạt động môi giới, mua bán rẫy, đất rừng làm trang trại với diện tích ít nhất cũng 10 ha. Có rất nhiều nương rẫy của cán bộ kiểm lâm, công an... địa phương đang hiện diện ở đây đã được Nhà nước cấp sổ đỏ. "Thổ địa" khẳng định phải mất 10 ngày mới đi thực địa hết những cánh rừng bị tiêu diệt.
Chính chủ tịch huyện Bảo Lâm, ông Lương Văn Minh, sáng 11/10 cũng thừa nhận: "Đi vòng vòng ở ngoài thật tình không thấy gì đâu, nhưng vô trong thì toàn là những rẫy cà phê 4-5 tuổi. Ở đó người ta đã xây dựng nhà cửa hẳn hoi. Thời điểm rừng bị phá bạo nhất cách đây vài năm khi giá cà phê lên cao, anh em bảo vệ rừng cứ phải chạy theo đuôi". Đáng nể nhất là khu Nao Quang nằm cách trung tâm huyện Bảo Lâm 25 km với hàng trăm hecta cà phê, chè lá lấn chỗ của từng ấy hecta rừng.
Bảo vệ rừng làm ngơ cho phá rừng
Hầu hết khu rừng bị phá thuộc địa bàn quản lý của ban quản lý (BQL) rừng Bảo Lâm (trực thuộc UBND huyện Bảo Lâm). Gần 100 ha là diện tích rừng bị xóa năm 2003 và chín tháng đầu năm 2004 mà đơn vị này phát hiện duy nhất một vụ bị xử lý hình sự. Còn những năm trước đó? Một phó BQL bộc bạch: "Chúng tôi chưa thống kê hết được".
Ông Nguyễn Bá Đông, trưởng BQL rừng Bảo Lâm, nói: "Tình hình như hiện nay thế là ổn lắm rồi đó". Ông khẳng định: "Chúng tôi biết tất cả những đối tượng phá rừng nhưng không tài nào bắt quả tang, do vậy không sao xử lý được. Tại Lộc Ngãi, chúng tôi đã xác định có một làng lâm tặc đấy, nhưng thật tình cũng chưa thể làm gì. Rừng Lộc Ngãi từng được giao cho công an huyện, huyện đội, tỉnh đội rồi xã, thôn quản lý nhưng không hiệu quả. Nay giao lại cho BQL khiến chúng tôi cũng đau đầu".
"Nhưng chính người dân địa phương này khẳng định chỉ có sự làm ngơ của những người quản lý rừng thì người ta mới dám phá rừng?", PV hỏi. "Dư luận thì có chuyện đó, nhưng thực tế không phải vậy đâu", ông Đông nói. Theo ông Đông, trước đây có chuyện người dân xã Lộc Phú làm đơn tố cáo ông Lê Văn Tú (cán bộ BQL rừng quản lý cụm tiểu khu Lộc Phú) đã lợi dụng chức vụ để bán đất lâm nghiệp, thuê người phá rừng. Sau khi tiếp nhận đơn, Hạt kiểm lâm Bảo Lâm đã lập đoàn kiểm tra nhưng không phát hiện chuyện đó. Có thể do ông Tú làm việc quá căng nên bị dân ghét!
Theo tìm hiểu của PV, đoàn kiểm tra kết luận việc tố cáo ông Tú bán đất là có thật, nhưng mức độ không phải như trong đơn. Chỉ xác định được hai vị trí thể hiện rõ hành vi bán đất và lấn chiếm đất của ông Tú và người làm.