Carl Icahn. |
Hiện ông trùm săn công ty này nắm trong tay số vốn lên đến 50 tỷ USD và nếu muốn, Carl có thể thâu tóm bất kỳ công ty nào đang trong tầm ngắm.
Nổi danh và giàu có từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Carl Icahn đứng ở vị trí 24 trong 50 tỷ phú giàu có nhất thế giới với tổng số tài sản là 7,8 tỷ USD.
Toàn bộ giá trị tài sản khổng lồ của mình, Carl Icahn đều tự tạo ra từ kinh doanh chứng khoán và mua bán cổ phần các công ty. Carl Icahn thành lập nhiều quỹ đầu tư chứng khoán với tổng giá trị hơn 20 tỷ USD vào một danh mục rất phong phú của gần 60 công ty khác nhau.
Là nhà đầu tư chuyên nghiệp và nổi tiếng bậc nhất tại thị trường chứng khoán phố Wall, những bước đầu tư của Carl vừa khó hiểu vừa liều lĩnh, thậm chí chính những đối thủ của ông cũng phải dè chừng. Các công ty niêm yết, các công ty cổ phần luôn luôn lo lắng khi biết Carl Icahn có ý định đầu tư vào đó bởi khi đã muốn, Carl Icahn luôn tìm mọi cách để đạt được mục tiêu của mình.
Nhạy bén
Cái tên Icahn ngày nay thường gắn liền với những thương vụ táo bạo. Vì thế ít ai có thể nghĩ được rằng Carl từng có ý định trở thành một bác sĩ hay giáo viên bình thường nào đó. Sau đó, ông cũng đã tốt nghiệp đại học với bằng về triết học ở Princeton và từng học ở trường y trước khi theo đuổi sự nghiệp ở phố Wall.
Carl Icahn sinh ra tại Queens (New York, Mỹ) vào năm 1936. Ông dường như có năng khiếu bẩm sinh với các hoạt động đầu tư chứng khoán nên bỏ lại tất cả những thứ đã có ở trường đại học. Ông lao vào nghiên cứu kinh doanh chứng khoán, quản trị kinh doanh để trở thành một người môi giới chứng khoán.
Cùng với thời gian, Icahn nhận thấy rằng thị trường chứng khoán quả là một mảnh đất màu mỡ mà ông đang tìm kiếm. Những năm tháng lang thang trên phố Wall đã rèn luyện Carl Icahn trở thành một tay săn cổ phiếu chuyên nghiệp. Sức mạnh lớn nhất của Icahn chính là sự nhạy bén đặc biệt trong các phi vụ đầu tư. Một khi ông trùm đã nhắm vào một điểm nào đó, dứt khoát sự đầu tư đó sẽ đem lại lợi nhuận.
Chiến lược đầu tư và kinh doanh của Carl Icahn nghe có vẻ rất đơn giản: săn tìm và mua cổ phiếu của các công ty có giá thấp để rồi sau đó bán lại với giá cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, sự thành công của Carl lại dựa vào chính cái nhanh nhậy đó. Ông phát hiện ra rất nhanh các công ty bị đánh giá trên thị trường dưới giá trị thật của mình, thậm chí có công ty còn đang ngấp nghé trên bờ phá sản và tìm cách mua bằng được cổ phiếu của các công ty đó với số lượng càng lớn càng tốt.
Nghiêng ngả phố Wall
Và rồi thậm chí cả những tập đoàn lớn cũng không nằm ngoài sự dòm ngó của Carl Icahn. Có thể kể đến trường hợp của tập đoàn truyền thông Time Warner. Với tư cách là cổ đông nắm giữ 3% cổ phiếu của Time Warner, Carl Icahn đã hướng tới sự chú ý của giới đầu tư chứng khoán phố Wall vào đó. Carl Icahn công khai công kích chủ tịch Richard Passons của Time Warner. Carl Icahn tập hợp được cả một nhóm nhà đầu tư ủng hộ mình, trong đó có Chủ tịch ngân hàng đầu tư Lazard và cựu chủ tịch của Viacom, một trong những đối thủ lớn nhất của Time Warner.
Mục tiêu của Carl Icahn là buộc tập đoàn khổng lồ này phải chia nhỏ ra. Qua đó giá cổ phiếu sẽ phải biến động và Carl Icahn hy vọng rằng mình sẽ được lợi nhờ đó. Sự việc đã không nằm ngoài dự đoán của Carl khi mà giá cổ phiếu của Time Warner đã tăng từ 4 USD lên đến 21,5 USD cho mỗi đầu phiếu.
Mới đây, Carl làm xôn xao dư luận khi tuyên bố muốn có chân trong ban lãnh đạo trong hãng điện thoại di động Motorola của Mỹ. Việc ông muốn tham gia điều hành Motorola trong lúc hãng sa sút lợi nhuận vì áp lực cạnh tranh khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.
Tuy nhiên, tại cuộc họp thường niên năm nay của hãng, Carl đã không nhận được sự đồng thuận của các cổ đông trong tập đoàn. Mặc dù vậy, Carl vẫn không ngừng chỉ trích vào Ed Zander - CEO đương nhiệm của Motorola và cho rằng chính ông này đang làm sụp đổ hãng sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai thế giới. Icahn còn đề xuất Motorola phải thay ngay giám đốc điều hành, nếu Zander không thể thu xếp được các khó khăn tài chính hiện nay.
Giương Đông, kích Tây - đó cũng là một trong các chiêu bài thường thấy của Carl Icahn trên thị trường cổ phiếu. Giới đầu tư vẫn tiếp tục chờ những sức ép tiếp theo của ông trùm săn công ty này.
Sự thành công của Carl Icahn đã nhiều lúc làm thị trường chứng khoán phải nghiêng ngả. 30 năm trên trường chứng khoán và chẳng mắc lấy một sai lầm nào đáng kể trong mỗi quyết định đầu tư, mọi động thái của Carl Icahn đều khiến người ta thăm dò.
Có công ty tìm cách ngăn chặn, cản trở một quyết định đầu tư nào đó của Carl Icahn. Còn nhiều nhà đầu tư khác tâm lý dao động, lại muốn ăn theo. Carl Icahn đầu tư vào đâu, công ty nào thì họ cũng đầu tư vào đó. Ảnh hưởng của Carl trên thị trường ngày càng không nhỏ.
Các quỹ đầu tư của ông có tỷ suất lợi nhuận trung bình lên đến 53%. Với cổ phần chi phối, hiện Carl Icahn là chủ tịch hội đồng quản trị của nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ như tập đoàn viễn thông XO Communications, America Railcar.
Ngoài ra, Carl Icahn còn là cổ đông lớn trong các tập đoàn Time Warner về truyền thông, Hollywood Entertainment về giải trí, National Energy Group về năng lượng hay Adventis Parmaceutical về dược phẩm.
(Theo Đàn Ông)