Người ngoài nhìn vào bảo bà: “Con cái tự lập chừng nào thì mình khỏe chừng ấy, bà than khổ nỗi gì?”. Anh con trai không dám nhìn thẳng vào cặp mắt đỏ hoe của mẹ khi dọn đồ đi.
Từ trước đến nay, nhà bà chưa hề xảy ra mâu thuẫn, chỉ có một số bất đồng nhỏ như bà yêu cầu con dâu hạn chế về khuya cho an toàn, để bà không phải thức chờ cả nhà ăn cơm tối. Cô con dâu chẳng nửa lời phân bua, nhưng vẫn không thay đổi. Tuần qua, bà âm thầm vào phòng con trai dọn dẹp, sắp xếp lại cho gọn. Con dâu về không hề hỏi bà, mà mắng lây cậu con mới lên bốn. Có lần, bà còn tình cờ nghe được vợ chồng con trai hục hoặc vì mình. Tìm đến chuyên viên tư vấn, bà giãi bày: “Tôi không ngờ con dâu quyết định như thế. Tuổi già, tôi cũng cố tự lo được, chỉ sợ người ta chê cười chắc bà già chồng khó khăn lắm nên con dâu mới không ở nổi!”.
Căn nhà hai tầng của gia đình chị Xuân Hoa thì một ngày “đông vui”, vì ba mẹ chị chủ trương gom con cháu về sống một nhà cho dễ chăm sóc. Mẹ chị Hoa là tổng quản nên chị gần như không phải lo lắng, quán xuyến gì cả. Nhưng rồi theo năm tháng, những bất ổn trong đại gia đình ấy xuất hiện.
Làm theo ca, anh Hiền, chồng chị, thường xuyên vắng bữa cơm tối nhưng tiền góp vẫn phải đóng đủ. Mặt khác, vì cố làm tròn nghĩa vụ với đại gia đình nhà vợ, anh Hiền bị mẹ ruột trách đủ điều. Sinh hoạt tình cảm của vợ chồng son cũng không được tự nhiên, thở mạnh về đêm phải dè chừng. Ngán ngẩm việc về nhà gặp ông anh vợ hay lên lớp, bà chị dâu phong kiến, xét nét, anh Hiền ngày càng sa đà chè chén cùng bạn bè sau giờ làm.
Theo kiểu “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, mười mấy thành viên trong nhà cứ đùn đẩy công việc, bất đồng về chi tiêu, lối sống, cách ăn ở, giữ vệ sinh. Chị Hoa nhiều phen khó xử vì không biết đứng về phía chồng hay những người ruột thịt.
Gọi đến tổng đài 1088, sau hơn nửa giờ được tư vấn, đặt điện thoại xuống, chị Hoa quyết tâm “tách khỏi nhà lớn để giữ hạnh phúc nhỏ”.
Riêng trong chung
Các bạn trẻ có gia đình thường không mặn mòi với việc ở dâu ở rể vì ngại... phức tạp. Họ muốn tự quyết giờ giấc ăn ngủ, thực đơn, bài trí, chăm con, học hành nâng cao, khỏi lễ nghĩa, khách sáo... Trên thực tế, nếu có chất keo tốt để kéo gần khoảng cách thế hệ thì gia đình “kép” sẽ là phép giải hữu hiệu nhất cho chữ hiếu chữ tình, hạnh phúc lứa đôi. Vợ chồng trẻ được cha mẹ hỗ trợ kinh tế, cố vấn kinh nghiệm, phụ giúp trông cháu.
Ngược lại, nếu ở chung mà vợ chồng đều thiếu nền tảng đạo đức, một tiếng không nhịn, lười nhác, ỷ lại, mạnh ai nấy thu vén cho mình thì bản thân gia đình hạt nhân ẩn chứa nhiều nguy cơ tan vỡ hạnh phúc.
Khó chữa nhất là tan vỡ từ bên trong khi vợ chồng nhìn thấy mặt xấu của nhau, thể hiện qua ứng xử với anh em, họ hàng hai bên. Khi một tiểu gia đình xung đột, các gia đình khác đều bị ảnh hưởng.
Chung - riêng không quan trọng
Một gia đình đẹp, có “chốn riêng trong mái nhà chung” là tổ ấm lớn của bà Tôn Kim Hương ở phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM. Cả bốn con lẫn dâu của bà, mỗi người phụ trách một mảng, cùng xây dựng, phát triển một công ty về dịch vụ điện tử, truyền hình cáp. Tiền góp hay lợi nhuận, hai anh em nhiều lúc khó chia vì ai cũng muốn... nhường phần nhiều cho người kia. Kinh tế khấm khá, nhưng chẳng ai thiết mua nhà để ra riêng. Các con đi công tác xa vài tuần hoàn toàn an tâm về con cái vì “ông bà chăm cháu còn tốt hơn mình”. Ông bà Kim Hương chưa bao giờ chạnh nghĩ đến hai chữ “hầu dâu”, mà luôn cảm thấy vui sướng, với trọng trách “cây cao bóng cả”.
Ông bà Sính - Túy ở 181/3 Nguyễn Đình Chính, quận Phú Nhuận, TP HCM, tuy ở chung với các con nhưng tạo điều kiện để mỗi “tiểu gia đình” có một không gian riêng rộng 30 m 2 và không bao giờ can thiệp quá phạm vi cho phép. Bà Túy bộc bạch: "Bọn trẻ giờ phải chịu áp lực công việc nhiều, cần được thông cảm. Hơn nữa, đối xử tốt với dâu, rể, mình sẽ được thêm một người con chứ có gì mà phải tính toán thiệt hơn”.
Theo bà Lý Thị Mai, phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tâm lý Hồn Việt, cách thương con tốt nhất là thương lấy dâu rể của mình. Các bậc cha mẹ không nên áp đặt mà chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện cho con tổ chức cuộc sống, ổn định nơi ăn chốn ở và phát triển bản thân. Trong những trường hợp bất khả kháng, phải biết chấp nhận nếu con cương quyết tách ra sống riêng và tôn trọng những quyết định khác liên quan đến đời sống của con.
(Theo Phụ Nữ)