Chỉ có 7/45 công ty có mặt đưa ra mức bồi thường. Văn phòng đại diện thường trú công ty Viet GMBH yêu cầu hơn 600 triệu đồng, trong đó có 9.200 USD (tương đương 140 triệu đồng) mà đơn vị đã chi trả cho gia đình nhân viên Lý Thị Quế bị tử nạn.
Chủ tọa giải thích, số tiền các đơn vị gửi đến gia đình nạn nhân sau vụ hoả hoạn là tự nguyện theo lòng hảo tâm, nên không thể tính vào thiệt hại. Còn đại diện của Viet GMBH cho biết, sau vụ cháy gia đình nhân viên này yêu cầu đơn vị bồi thường tai nạn lao động. Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM (đơn vị được giao nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu, cung ứng và quản lý người lao động làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn thành phố) đã có Công văn hướng dẫn phải thực hiện chính sách chi trả 30 tháng lương cùng trợ cấp thôi việc (vì người lao động đã chết). Vì vậy, đơn vị bị bắt buộc phải chi trả, chứ không phải tự nguyện.
Công ty AIA công bố mức thiệt hại lên đến 19 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 6 tỷ đồng là phí điều trị cho một số học viên bị thương, đơn vị không yêu cầu bồi thường khoản này. Công ty đã nhận được 3,35 tỷ đồng công ty bảo hiểm Bảo Minh chi trả, nay yêu cầu được bồi thường tiếp 7,2 tỷ đồng.
Chi nhánh công ty Cơ khí xây lắp điện - phát triển hạ tầng (thuộc công ty cơ khí điện Hà Tây) và công ty tư vấn - tiếp thị Quốc tế chỉ yêu cầu bồi thường 50% trị giá tài sản bị thiệt hại, khoảng 650 triệu đồng.
Ngày mai phiên tòa tiếp tục triệu tập đại diện hợp pháp của các nạn nhân để đề xuất mức bồi thường thiệt hại.