Ở Hà Nội, sàn Đông Á (Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á) được coi là nơi "âm thịnh, dương suy", bởi lực lượng các bà, các cô chiếm tới 70-80%.
Chị Hương, một NĐT ở đây cho biết: "Cũng không hiểu vì sao cánh đàn ông lại "chê" sàn này. Chắc có lẽ vì ngại chen lấn với chị em chăng?".
Còn chị Hà, ở Phương Liệt cùng cô em gái đến đây mở tài khoản lại nói: "Mình thấy sàn này nhỏ, toàn chị em phụ nữ, có gì khúc mắc chưa hiểu, hỏi cũng đỡ xấu hổ. Vả lại, đến sàn lớn mình sợ gặp người quen". Chẳng riêng gì sàn Đông Á, sàn Quốc Tế (trên phố Quang Trung), Bảo Việt, Công Thương (trên phố Bà Triệu)... các bà, các cô cũng đông đảo không kém.
Dường như làn sóng chơi chứng khoán đã đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà. Trên truyền hình, báo đài, ngoài công viên, bờ hồ đâu đâu người ta cũng bàn tán về chứng khoán, về anh A, chị B giàu lên nhờ chứng khoán. Những tác động của ngoại cảnh đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của những người phụ nữ, vốn chỉ quen với việc nội trợ trong gia đình.
Vừa làm thủ tục mở tài khoản, chị Hà, một NĐT trên sàn Quốc Tế bộc bạch: "Xung quanh mình ai cũng chơi, mình không muốn đứng ngoài cuộc. Có cơ hội đổi đời, dại gì mà không chơi".
Đem thắc mắc này hỏi bác Thuỷ, một NĐT có mặt trên sàn Quốc Tế từ những ngày đầu, bác Thủy cười: "Thì họ cũng giống như tôi thôi. Sở dĩ các bà, các cô đến sàn nhiều hơn đàn ông vì họ là những người nắm giữ tài chính trong gia đình. Bản tính phụ nữ vốn tham lam, chơi chứng khoán là cách giàu nhanh nhất".
Theo một nhân viên môi giới trên sàn Quốc Tế, câu nói của các cụ ta ngày xưa: phụ nữ là "tay hòm chìa khoá" giờ không còn đúng trên sàn. Đâu còn là những phụ nữ tính toán, chi li, tiết kiệm từng đồng; thay vào đó, là hình ảnh các bà, các cô mạnh mẽ, quyết liệt. Họ sẵn sàng đem toàn bộ "của để dành" trong hàng chục năm trời, tiền triệu, tiều tỷ trong túi ra đi trong chốc lát mà mặt vẫn lạnh... như tiền.
Và trong số đó, không ít người trốn chồng, giấu con lên sàn chơi chứng khoán. Chị Thu Vân, nhà ở quận Tây Hồ, gần một tháng nay, một tuần đôi ba bận, nói dối chồng lên sàn Công Thương. Chị Vân cứ tiếc rẻ mãi, cổ phiếu của VFMVF1 đang xuống giá, mà chỉ đủ tiền mua 200 "cổ" (cổ phiếu). Chị bảo, đợi mấy hôm nữa hết kỳ hạn tiết kiệm, sẽ rút 100 triệu ra chơi mới đã.
Chị Vân kể, cô bạn chị bị chồng dọa bỏ nếu còn tiếp tục chơi chứng khoán nhưng cô bạn vẫn lén cầm sổ đỏ đi thế chấp để chơi. Nhận xét về các bà bạn, trên sàn Quốc Tế, bác Võ Văn Minh nói: "Đừng coi thường các bà ấy nhé. Họ chơi chứng khoán "máu" chẳng kém gì đàn ông đâu. Đã không "dính" thì thôi, lên sàn rồi, đố bà nào gỡ ra được, lắm khi còn hiếu chiến hơn cánh đàn ông chúng tôi ấy chứ".
Tuy nhiên, có những trường hợp các bà về hưu, nghe con cái lên sàn chơi cho khuây khoả, sau một thời gian lên sàn chỉ muốn về nghỉ cho khoẻ. Ở sàn Công Thương, trên phố Bà Triệu, trong lúc các NĐT chen vai, sát cánh chăm chú dõi theo kết quả trên màn hình, thì vẫn còn có một phụ nữ mệt mỏi, ngồi ủ rũ.
Bác Hồng, 58 tuổi, ở phố Minh Khai tâm sự: "Tôi chẳng ham mê gì chứng khoán đâu. Tôi bị đứa con gái "bắt cóc" lên sàn". Qua lời bác Hồng kể, do cô con gái không thể trốn việc ở cơ quan nên nhờ mẹ lên sàn canh hộ. Hễ muốn mua, bán "con" nào, cô chỉ cần nhấc "alô", mẹ ngồi ở sàn ghi hộ.
Bác Hồng bảo: "Lúc đầu tôi tưởng đơn giản nên giao 50 triệu cho nó mở tài khoản, lên đến đây mới thấy phức tạp, số má nhảy loạn xạ. Ngày nào cũng suy nghĩ tiền bạc mệt đầu, đã vậy còn đông đúc toàn hơi người. Tôi thấy ngột ngạt quá. Mình già rồi, về hưu chỉ muốn nghỉ ngơi ".
(Theo Thanh Niên)