Kết quả điều tra tình hình kinh doanh của tiểu thương chợ Bến Thành do Chi cục thuế quận 1 tiến hành mới đây đã khiến nhiều người TP HCM giật mình vì mức giá sang nhượng quá cao.
Nhiều tiểu thương muốn bán hàng trong chợ Bến Thành phải trả chi phí sang nhượng quầy cực lớn. Ảnh: P.A. |
Giá đấu thầu khởi điểm một quầy hàng ở chợ Bến Thành mà Ban Quản lý chợ đưa ra bình quân khoảng 300-500 triệu đồng. Tuy nhiên, do đặc thù là chợ "di sản" biểu tượng của thành phố, nơi tham quan và mua sắm chủ yếu của khách du lịch nước ngoài, việc kinh doanh khá thuận lợi, nên giá sang nhượng quầy hàng được tiểu thương đẩy lên cao ngất ngưởng.
Nếu 2 năm trước, giá sang nhượng quầy hàng tại chợ tối đa 250 lượng vàng, thì nay tăng thêm 100 cây, chưa kể yếu tố giá vàng đã tăng gấp đôi trong thời gian qua. Đắt vậy nhưng cũng không dễ để tìm được điểm muốn đổi chủ tại đây.
Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 1 Đặng Khắc Phúc so sánh, mức giá sang nhượng này ngang bằng giá mua một căn nhà mặt tiền khang trang ở nhiều con đường lớn tại TP HCM. Kết quả điều tra của Chi cục thuế quận 1 cũng được Ban Quản lý chợ Bến Thành xác nhận là đúng.
Cuộc điều tra của Chi cục thuế quận 1 được thực hiện sau khi có nhiều đơn thư khiếu nại từ tiểu thương chợ Bến Thành, đối với quyết định tăng thuế khoán tại đây trung bình từ 1 triệu lên 1,2 triệu đồng/tháng hoặc tùy trường hợp. Lý do của tiểu thương là kinh doanh tại chợ ngày càng khó khăn, hàng ế ẩm, cạnh tranh nhiều...
Ông Đặng Khắc Phúc tính toán, thu nhập bình quân 100 triệu đồng/tháng mà chủ quầy lại can đảm "bỏ" giá thầu sang nhượng 350 cây vàng cho quầy hàng, thì chắc chắn là lợi nhuận thực phải cao hơn nhiều so với mức tiểu thương khai báo. Nếu đúng vậy, cơ quan thuế cũng chưa thu đủ thuế cho nhà nước, nên quyết định tăng thuế khoán cho tiểu thương chợ Bến Thành là hợp lý.
Một tiểu thương kinh doanh tại cái chợ đã trở thành biểu tượng của TP HCM cho rằng, kết quả điều tra của Chi cục thuế quận 1 là chưa phản ánh đúng thực tế. Những quầy hàng ở vị trí thuận lợi như mặt tiền, ngay lối đi... thì mới có giá sang nhượng cao hơn 300 cây vàng. Nhiều điểm bán khác trong "vùng sâu vùng xa" của chợ vẫn chịu số phận hẩm hiu.
Cũng theo tiểu thương này, các ngành kinh doanh vải sợi, giày dép, quần áo, túi xách, mỹ phẩm nước hoa... thì mới thu hút được nhiều khách hàng. Giá sang nhượng vì vậy cũng cao. Các ngành như nhôm nhựa, hàng khô... thì khó đạt doanh thu hiệu quả. "Do đó, việc cơ quan thuế tăng đồng loạt thuế khoán cho tất cả các hộ kinh doanh mà không phân biệt từng loại quầy, ngành hàng là không công bằng", tiểu thương này bức xúc nói.
(Theo VnExpress)