Nhắc đến hai chữ dạy kèm là bạn Phương Hoa, sinh viên khoa Đông phương học, Đại học KHXH & NV lắc đầu. Kể về tai nạn nghề nghiệp của mình, Hoa nói: “Hồi trước tôi nhận dạy kèm tiếng Việt cho một người nước ngoài. Dạy được hơn tháng, anh ta bắt đầu có hành động không đứng đắn, rồi hôm đó anh ta muốn... thật đáng sợ”.
Trường hợp của Lâm, sinh viên ĐH GTVT cũng là chuyện cười ra nước mắt. Cậu nhận dạy kèm tiếng Anh cho con một ông goá vợ ở quận 3. Được một thời gian, Lâm nhận thấy sự quan tâm của người cha dành cho cậu có gì đó hơi khác lạ. Khi phát hiện ra điều bất thường, Lâm đã mau chóng... bỏ chạy. Lâm nói: “Ông ta là một người đồng tính, vậy mà mãi về sau tôi mới biết”.
Ngoài những chuyện bị quấy rối kiểu này, những trắc trở trong nghề cũng không ít từ việc bị xù tiền lương, bị thanh lý hợp đồng sớm bởi lý do con họ không tiến bộ hay những lời “ve vãn” từ chính những người đã mời họ về, đôi khi các gia sư còn bị hành hung đuổi ra khỏi nhà không trả tiền lương chỉ vì lỡ đánh… một thước vào tay cục cưng của gia chủ.
Mới đây trong giới sinh viên truyền tai về việc cô sinh viên tên Nhung của ĐH Mở Bán công TP HCM gặp “tai nạn”. Sau một thời gian dạy kèm cho đứa con 8 tuổi của một gia đình nọ, cô đã phải lòng người cha đứa trẻ để rồi cãi nhau một trận kinh khủng với bà chủ nhà. Kết quả cô gia sư phải âm thầm bỏ dạy và ôm lấy hậu quả thiệt thòi về mình.
Tuy bị quấy rối nhưng không phải gia sư nào cũng phải “bỏ trò chạy lấy người”. Một vài gia sư cao tay cũng biết trả đòn lại đối phương. Trường hợp của Mỹ Quyên (ĐH Kinh Tế) là điển hình. Dạy tuần 2 buổi tối, chỉ một tiếng rưỡi, học phí 300.000 đồng/tháng nên thời gian đầu Quyên rất vui mừng.
Một lần về quê đột xuất, Quyên điện thoại cho chị Liên, mẹ của học trò để xin nghỉ một ngày. Chị Liên vui vẻ đồng ý. Cũng từ đó điện thoại di động của Quyên liên tiếp bị quấy rầy. Tên “ma ảo” không xưng danh, nhưng biết rõ Quyên từ tên tuổi, học trường nào, quê quán ở đâu...
Tên này không chỉ nhá điện thoại hay nhắn tin vào lúc nửa khuya, sử dụng lời lẽ bậy bạ, lố bịch. Ngay khi tên này nhắn tin trên internet, Quyên cũng dễ dàng nhận ra bởi những lỗi chính tả và "văn phong" rất khiếm nhã: "Thưa cô, hôm nay em được 10 điểm, cô thưởng em một bữa lên giường nhé", "Cô dạy toán giỏi, chắc dạy "làm ăn" cũng ác lắm"... Nhiều lúc bực bội, Quyên gọi lại số đó nhưng chỉ nghe đầu dây bên kia có tiếng đàn ông cười nham nhở, đắc thắng.
Vào dịp 20/11, Quyên phát hiện trong cặp bao tay để ở giỏ xe Quyên dựng trước cửa nhà học trò có một món quà vô tiền khoán hậu: bao cao su cột gút. Quyên la toáng lên, việc đến tai chị Liên. Chị biết rõ thủ phạm không ai khác là chồng chị, một người nổi tiếng... ba mươi lăm.
Chị cũng không ngần ngại cho biết trước đây ông từng quấy rối nhiều gia sư. Chị xin lỗi và khuyên Quyên cứ tiếp tục dạy con chị.
Đó là đêm đầu tiên sau 3 tháng, Quyên không bị quấy rối bởi những tin nhắn bẩn mà thay vào là một dòng nhắn "Xin lỗi, đừng làm lớn chuyện". Qua việc này, Quyên mới nhận ra để phụ huynh trị phụ huynh hiệu quả hơn nhiều.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, uy nhiên phương án tránh xa "tâm bão" cũng là phương án hiệu quả cho các gia sư. Phương Anh (ĐH Sư Phạm) thường phải nhiều lần cắt đuôi anh trai của cậu học trò lớp 9, ở Bình Thạnh chạy theo cô về nhà trọ. Một lần đột nhiên anh ta gọi điện báo cho Phương Anh đến sớm hơn thường lệ nửa giờ vì cậu học trò phải giải quyết nhiều bài vở.
Cô đến dạy sớm khi ở nhà chỉ có mình anh ta. Phương Anh ngồi chờ ở phòng học thì anh ta đóng kín các cửa và bất ngờ "tấn công" cô từ phía sau. Cô nhanh chóng chống trả, mắng lại và giáng cho anh ta một tát, chạy ra khỏi phòng. May sao lúc ấy mẹ và học trò của cô về đến.
Sau "sự cố" này, cô tiếc là mình đã không yêu cầu một góc học tập an toàn hơn cho cả học trò và gia sư. Cô không báo cho mẹ học trò biết chuyện xảy xa. Đồng thời, cô cũng thuyết phục phụ huynh đưa cậu học trò đến học tại nhà mình để sử dụng máy vi tính, có nhiều sách tham khảo và có điều kiện học tập tiến bộ hơn... Dù thù lao có thấp đi một ít nhưng tâm lý của gia sư được thoải mái, toàn tâm toàn ý dạy học.