Chiếc hố sâu hoắm vừa xuất hiện trước cửa một ngôi nhà trong làng. |
Ngôi nhà anh Đào Văn Nam và chị Nguyễn Thị Hải sạt hẳn một nửa phần bên trái xuống một hố sâu, tường nhà bị xé ra từng tảng, đòn tay bị bẻ bật lên, tung cả mái ngói. Đôi vợ chồng trẻ này vừa gom góp vay mượn xây ngôi nhà hơn 50 triệu đồng ráng kịp hoàn thành để đón tết, nợ nần chưa trả hết, vậy mà giờ đã thành đống gạch vụn.
Đau lòng hơn khi cả hai vợ chồng cơm đùm cơm bới lên rừng trồng cây từ mấy hôm nay, hoàn toàn không biết ở nhà tất cả gia tài của mình đã ra nông nỗi này. Hai đứa con nhỏ của anh may mắn là đã được gửi ở nhà bà nội.
Không xa ngôi nhà anh Nam là nhà anh Trần Văn Thoạn, nằm cạnh cầu Bến Dâu đẹp nhất làng, nay cũng tan hoang. Anh rất tự hào, nhờ hai vợ chồng làm ăn căn cơ tằn tiện nên mới có hơn 200 triệu đồng xây nhà cách nay ba năm.
Anh Thoạn với gương mặt thất thần ngồi nhìn xuống cái hố sâu hoắm chính giữa nhà, dưới đó chôn vùi từ bàn thờ, sập gụ, tivi, tủ chè..., những tiện nghi mà chắt bóp cả đời những nông dân như anh mới có thể sắm được.
Đoạn đường trước cửa nhà ông Thoạn sụp sâu 3m. |
Mai Nhật Tân, con rể của anh Thoạn, kể lại giờ khắc kinh hoàng đêm đó: chừng 8h tối, đang nằm coi tivi trận bóng đá giữa Liverpool và MU thì nghe một tiếng nổ phía ngoài đường, mấy nhà xung quanh chạy ra thấy đất giữa đường bỗng nhiên sụt xuống thành một cái hố rộng hơn 5m, sâu chừng 3m.
Nghĩ cũng không sao nên Tân vào nằm coi tivi tiếp. Khi vừa đặt mình xuống giường thì những tiếng răng rắc phát ra từ vì kèo nhà, quanh tường... rồi anh nghe một tiếng nổ ầm từ giữa nhà. Tức khắc, tất cả gian thờ, tủ bàn, tivi đều ụp xuống. Cả nhà hoảng loạn chạy ra đường tháo thân.
Tân vội leo lên xe máy chạy vòng quanh làng gào lên: “Bà con ơi động đất!”. Liền sau đó là những tiếng nổ thi nhau vang lên khắp xóm. Nhà anh Thay, cạnh nhà anh Thoạn cũng chịu chung số phận. Hàng chục ngôi nhà khác bắt đầu bị lún nền, nứt tường... Người dân trong thôn hoảng loạn.
Ông Lê Tính, trưởng thôn Tân Hiệp, bảo: “Chúng tôi lo cứu người trước đã. Cả đêm lực lượng thanh niên trong thôn lo đưa các em nhỏ, người già đến vùng an toàn. Ai không đi được thì đưa lên xe kéo hoặc dùng cáng khiêng lên trụ sở ủy ban, gửi vào nhà bà con sống ở cách xa khu vực lở đất. Một số đã dắt díu nhau ra tận vùng núi phía sau làng”. Thanh niên trong làng thức suốt đêm để đưa những gia đình bị kẹt lại ra khỏi vùng nguy hiểm.
Anh Thoạn cho biết, may mà trận sụt đất xảy ra vào thời điểm chưa khuya lắm nên còn kịp xoay xở, cái hố sụt sâu hoắm trong nhà anh chính là nơi kê chiếc giường mà ba đứa con anh vẫn ngủ hằng đêm.
Các cán bộ Sở Khoa học - công nghệ Quảng Trị có mặt tại hiện trường đã phán đoán rằng có một dòng sông cổ hoặc một mạch nước ngầm rất lớn đang chảy qua dưới lòng đất thôn Tân Hiệp. Tại một số hố sâu có hiện tượng nước đang chảy ra phía sông Hiếu, nhiều giếng nước trong làng sau trận sụt đất đã trở nên khô cạn một cách bất thường.
(Theo Tuổi Trẻ)