Một cuộc khảo sát mới đây của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy 88% nam giới Việt Nam cho rằng việc bếp núc là của phụ nữ. Các ông bố hầu như không động tay vào việc nội trợ. Khi mẹ đi vắng, trẻ con chỉ có lựa chọn là ăn mỳ gói hoặc cơm tiệm.
Chính vì thế, clip ngộ nghĩnh dưới đây - một thí nghiệm xã hội về sự bất bình đẳng của bố và mẹ trong việc bếp núc - đã “đánh trúng" tâm lý các bậc phụ huynh và thu hút hàng trăm lượt chia sẻ ngay sau vài giờ xuất hiện trên mạng.
Khi được yêu cầu dán nhãn “Bố”, “Mẹ” vào những đồ vật gia đình bố và mẹ hay sử dụng, các bé hồn nhiên dán tới tấp nhãn “Bố” vào ti vi, ghế bành, đầu máy; nhãn “Mẹ” lại chi chít đỏ trên nồi cơm điện, máy xay sinh tố, tủ lạnh, bếp…
Thậm chí, có bé còn hồn nhiên kể về cái gọi là "phải làm" của bố mẹ: “Ba phải coi phim, mẹ phải ủi đồ, xong mẹ qua nấu ăn, ba phải qua coi phim nữa, xong rồi ba phải đi tập thể dục rồi coi sách”. Đây là sự thật hài hước nhưng đáng để các phụ huynh suy ngẫm.
“Ba mẹ có thể chia sẻ bếp với nhau”, “con thích ba mẹ chia sẻ với nhau, như thế sẽ vui hơn nhiều”, “con muốn ba sử dụng nồi cơm điện, dễ ợt à” - những mong muốn dễ thương trong clip cho thấy trẻ con dù vô thức vẫn mong bố mẹ san sẻ với nhau mọi việc trong gia đình. Liệu các ông bố có muốn con trẻ học theo cách cư xử của bố, ỉ lại vào mẹ? Các ông bố có muốn trẻ quen với bất bình đẳng giới ngay từ nhỏ, cho rằng công việc chăm sóc gia đình và bếp núc là bổn phận của phụ nữ?
Anh Văn Nhật (Quận Gò Vấp - TP HCM) chia sẻ: “Xem xong clip tôi khá giật mình, không ngờ mình trong mắt con trẻ lại xấu xí như vậy. Thật sự tôi không muốn con trai tôi lớn lên cũng nằm ì trên ghế xem ti vi trong lúc vợ loay hoay với bếp núc, hay con gái mình cặm cụi bếp núc đến mức không có thời gian cho bản thân”.
Nhiều mẹ xem xong cũng trầm trồ tâm đắc với ý nghĩa clip mang lại. Không nói ra, chị em nào cũng mong chồng mình san sẻ việc bếp núc. Thực tế, ngoài việc giúp đỡ, giảm bớt gánh nặng cho các mẹ, gian bếp còn là nơi khơi gợi khoảnh khắc ngọt ngào của cuộc sống gia đình với tiếng cười đùa của bố mẹ và những đứa con thơ.
Bếp núc là sẻ chia. Vì thế, các ông bố nên cùng chia sẻ công việc này để bày tỏ tình cảm và sự quan tâm đến người phụ nữ của bạn. Cùng người phụ nữ của mình vào bếp để biến nội trợ thành việc đơn giản không chỉ mang lại tiếng cười cho cả gia đình, mà còn cho con trẻ thấy các con được yêu thương và chăm chút nâng niu từ cả bố lẫn mẹ. Từ đó, các bố cũng tạo được tấm gương tốt cho trẻ. Và quan trọng nhất, cùng vợ vào bếp là bạn có thể chia sẻ mọi khoảnh khắc hạnh phúc, lãng mạn của cuộc sống.
Chiến dịch "Bếp núc là sẻ chia" được thực hiện nhằm hâm nóng lại yêu thương vợ chồng từ gian bếp gia đình. BlueStone tin rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu việc nội trợ bếp núc được sẻ chia bởi cả hai vợ chồng hơn là bị ấn định theo giới tính. |
Thế Đan