Ẩm thực đường phố là nét văn hóa của Thái Lan, đặc biệt tại Bangkok, nơi có hàng chục quán ăn bình dân được gắn sao Michelin. Trong đó phải kể đến tiệm mì Guay Jub (mì gạo ăn kèm thịt quay) của ông Chanchai - một trong những đầu bếp đường phố nổi tiếng nhất thủ đô Bangkok. Tháng 7/2021, ông qua đời vì Covid-19. Để giữ tiệm mì của bố, mỗi sáng Adulwitch Tangsupmanee (con trai Chanchai) đều đặn đẩy xe thịt quay và nồi nước lèo đến trước rạp phim tại khu phố Tàu, dựng đúng vị trí cha anh đã bán gần 50 năm qua.
Giữa làn khói thơm nức mũi tỏa ra từ nồi nước dùng quen thuộc, Adulwitch cẩn thận đặt khung ảnh người cha quá cố cạnh các chứng nhận gợi ý điểm ăn uống của Michelin Guide từ năm 2018 đến 2021 lên tủ kính. Adulwitch cho biết: "Tôi chuẩn bị nước dùng cho cha khi ông bán ở quán, giờ tôi vẫn làm việc của mình, dù cha đã mất. Tôi cảm thấy ông vẫn dõi theo mình".
Chanchai là một trong ít nhất bảy đầu bếp đường phố trứ danh đã ra đi vì đại dịch ở Bangkok. Điều này được ví như mất mát lớn đối với văn hóa ẩm thực đường phố Thái Lan. Những người như Chanchai đã để lại một di sản ẩm thực giàu hương vị cho thế hệ sau. Vì thế, hậu duệ của họ bằng mọi giá phải giữ lấy công thức, tiếp nối truyền thống gia đình nhiều thập niên qua nhằm xây dựng Bangkok thành "thánh địa" ẩm thực đường phố thế giới.
Từ 1/11, Bangkok sẽ mở cửa đón du khách quốc tế, Adulwitch hi vọng các thực khách sẽ lại xếp hàng thưởng thức món mì của cha anh như xưa. Anh bày tỏ quyết tâm sẽ gắn bó với xe mì của cha. "Cha tôi yêu quý quán ăn này nhất, và tôi cũng yêu ông nhất, tôi phải giữ lại nó bằng mọi giá", Adulwitch tâm sự.
Trong khi con của Chanchai sẵn sàng tiếp quản quán của ông, thì con cháu bà Ladda Saetang phân vân nên đóng cửa hay kế tục tiệm vịt quay gia đình. Bà mất hồi tháng 5 năm nay. Quầy vịt quay của Ladda (66 tuổi), người thường được gọi là "bà Si", cách hàng mì của ông Chanchai khoảng 650 m. Sau khi thảo luận, Sarisa, con gái bà Ladda, quyết định tìm hiểu cách làm vịt quay của mẹ và tiếp nối nghề.
"Tôi không muốn đánh mất công thức nấu ăn. Đó là tài sản cả đời của mẹ. Tôi rất vui nếu thực khách thưởng thực và nhận ra hương vị cũ. Vài người khuyên tôi không nên từ bỏ quán ăn này vì họ không tìm được nơi nào có món vịt giống thế", Sarisa nói.
Thực tế, trước đại dịch, hàng ăn đường phố ở Bangkok đã chịu áp lực lớn khi thành phố ban hành quyết định dọn dẹp vỉa hè. Song song đó, nó phải cạnh tranh với nhà hàng cao cấp mọc lên khắp nơi. Yenfato (mì hồng), cơm ăn kèm giò heo hầm, hay Guay Jub... đều là những món ăn đường phố lâu năm do người Trung Quốc nhập cư bán. Họ kinh doanh theo hộ gia đình, mỗi hàng chuyên một món và nó đang dần biến mất bởi sự phát triển. Đại dịch chỉ góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa sổ các hàng ăn kiểu này khỏi bản đồ ẩm thực Thái Lan.
Chawadee Nualkhair, tác giả hai cuốn sách về ẩm thực đường phố Thái Lan, chia sẻ: "Hệ quả trước mắt của tình hình này là thực khách sẽ ít lựa chọn hơn. Sau đó khi những nơi này dần mất đi, mọi người sẽ không còn thấy cảnh đám đông thực khách không phân biệt tầng lớp, giàu nghèo đều xếp hàng chỉ để thưởng thức một tô mì hay đĩa cơm cà ri".
Diệp Tử (Theo Reuteurs)