Nằm trong Vinpearl Land Nam Hội An, không gian văn hóa được tái hiện công phu với các khu làng nghề như lụa, tranh Đông Hồ, dệt thổ cẩm…
Ở khu làng nghề, du khách sẽ được gặp 2 truyền nhân cuối cùng của dòng họ Lại vốn nổi tiếng với nghề làm giấy sắc phong – loại giấy quý chuyên được hoàng đế sử dụng để làm chiếu phong công, phong thần.
Làm được tờ giấy sắc phong là cả một hành trình dài: Cây dó được mang về tách vỏ, rửa sạch, sau đó các nghệ nhân mới ngâm vỏ cây dó trong nước lạnh, rồi ngâm tiếp vào nước vôi tôi, sau đó đem rửa, nấu chín bằng hơi, xong giã thành bột.
Tiếp theo là công đoạn seo giấy. Nghệ nhân phải dùng thêm nước ngâm mủ cây mò, để tăng độ bám cho bột cây dó, rồi sàng – lọc thật đều tay để bột giấy lắng lại mịn màng ở trong khay thành tờ giấy. Sau công đoạn seo, giấy được bóc, cán, rồi phết keo làm bằng da trâu nhằm tăng thêm độ dai, tránh mối mọt.
Phơi được tờ giấy thô mộc, nghệ nhân mới tiếp tục phủ nước hoa hoè lên giấy để có màu vàng tươi, rồi vẽ rồng và tứ linh lên hai mặt. Cuối cùng các nghệ nhân sẽ phủ một lớp vàng quỳ óng ánh lên trên.
Ngoài nghề làm giấy sắc phong, khách du lịch đến đây cũng đừng quên xem cô Phan Thị Thuận chăn tằm dệt chăn. Trên mặt bàn vuông, hàng trăm chú tằm cần mẫn bò qua, bò lại rút ruột nhả tơ để tạo nên một chiếc chăn mỏng nhưng mềm mại và đặc biệt không có một mối nối chỉ nào.
Cũng trong không gian ấy, du khách sẽ được xem tằm tạo kén, rồi cùng các o, các dì luộc kén lấy tơ. Những sợi tơ mong manh ấy kết lại với nhau trên bàn tay nghệ nhân để làm nên những tấm lụa mịn màng, sờ vào mát tay.
Lạc vào làng nghề của người H’Mông, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu các công đoạn để làm ra từng chiếc váy xoè thổ cẩm.
Không nhiều người biết rằng, chiếc váy ấy được các nghệ nhân dệt lên từ vỏ cây lanh: cũng ngâm, luộc, giã, lấy sợi, rồi lại cần mẫn dệt, ngâm chàm, giũ nước làm đi làm lại nhiều lần, sau đó phủ sáp ong lên vẽ. Cứ như vậy, sợi vải lanh thô mộc đã hoá thành một bức họa chứa trong đó cả hơi thở của núi rừng.
Để đi hết, tự tay trải nghiệm các làng nghề truyền thống tại khu đảo dân gian, du khách có thể phải bỏ ra cả ngày. Mỗi làng nghề, mỗi nghệ nhân ở đây đều có những câu chuyện riêng, sẵn sàng chia sẻ cùng du khách.
“Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”, đó sẽ là cảm nhận khi du khách bước vào nhà của các nghệ nhân làm tranh Đông Hồ.
Nếu muốn tự tay nặn gốm, bạn có thể trải nghiệm cùng các nghệ nhân ở làng Bát Tràng (Hà Nội) hay Thanh Hà (Hội An). Nơi đây còn có là hương gỗ mít thoang thoảng lẫn với mùi sơn của thằng tễu trong làng múa rối nước, những bức tranh Trúc Chỉ nổi tiếng của xứ Huế.
Sau hành trình tham quan các làng nghề truyền thống, du khách sẽ tiếp tục lạc vào không gian kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Đó là hình ảnh của mái đình đầu làng, chợ ngã ba, những mái nhà cổ 3 gian chuối sau cau trước của làng quê Bắc Bộ, hay những dãy nhà rường Huế, khu nhà vườn Nam Bộ 5 gian với các nghệ nhân đờn ca tài tử.
Đến với không gian kiến trúc, khách du lịch cũng đừng ngại bước chân lên 9 bậc cầu thang cao lênh khênh tiến vào nhà Rông. Ở đây, bạn có thể trở thành những sơn nữ bên tiếng đàn Tơ Rưng, tiếng cồng Chiêng vọng vang, hoà trong những con nước dặt dìu quay bên dòng suối róc rách, gợi nhớ chốn cao nguyên.
Kết thúc hành trình, bạn hãy dành ít phút ghé nhà Tròn nghe đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình hay lại thuỷ đình xem rối nước.