Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang điều tra hành vi cướp tài sản của Võ Văn Huy (sinh năm 1983, ngụ ấp 1, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Trước đó, vào khoảng 20h ngày 29/6, Huy đã dùng cây gỗ xông vào tiệm vàng Kim Châu Quốc Bảo (khu phố 5, phường Long Bình) đập kính nhằm cướp vàng.
Trong lúc vợ chồng anh Nguyễn Văn Một (sinh năm 1977) chủ tiệm đang trông coi tiệm thì bất ngờ bị Huy tấn công. Huy đi bộ vào tiệm vàng, nhanh tay sử dụng khúc gỗ đập liên tiếp vào tủ kính trưng bày vàng. Vị trí Huy đập tủ là nơi chứa đầy vàng trang sức. Những cú đập quá mạnh khiến tủ kính hai lớp bị bể, nhưng các mảnh vỡ không rơi ra mà dính nhau nhờ có dán keo ở giữa.
Đang đứng phía trong quầy, chủ tiệm quan sát thấy tên cướp không có vũ khí nguy hiểm mà chỉ cầm khúc cây, vừa định lao qua tủ ngăn chặn thì bị Huy ném khúc cây vào người nên phải dừng lại tránh né. Không lấy được vàng, Huy bỏ chạy về hướng vòng xoay Tam Hiệp.
Do Huy không thông thuộc địa hình nên chạy vào một hẻm cụt và bị bắt. Một số người dân đã xông vào đánh khiến Huy ngất ngay tại chỗ. Người dân tiếp tục giữ Huy lại chờ công an đến giải quyết. Nhận được tin báo, Công an TP Biên Hòa có mặt đưa Huy đi cấp cứu, đồng thời điều tra vụ việc.
Theo lời kể người dân, Huy ngồi chờ ở phía bên kia đường, trong công viên khá lâu để quan sát tiệm vàng. Sau đó, hắn dùng vải bịt kín mặt và bắt đầu hành động.
Một người dân nhận định: “Tôi nghĩ rằng Huy chỉ bột phát ý định cướp. Chứ đi cướp ai lại đi bộ, không có đồng bọn, không thông thuộc địa hình. Mà cũng không biết tiệm vàng người ta dùng kính cường lực nhiều lớp, phải dùng búa mới hy vọng đập vỡ được. Lại nhằm vào tiệm vàng ngay con đường đông người qua lại. Chỉ cần hô lên một tiếng là hàng trăm người sẽ lao đến bắt cướp ngay”.
Mẹ Huy, bà Lê Thị Sen (sinh năm 1953, ở ấp 1 xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) chỉ biết khóc khi kể về người con vừa vướng vào lao lý. Gia đình làm nông nghèo, có 5 anh em. 20 tuổi, Huy lấy vợ cùng huyện, sinh được hai con gái. Bản thân ốm yếu chỉ nặng 38 kg, Huy được cha xin vào làm ở một xưởng gỗ của người quen với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng.
“Hai vợ chồng làm không đủ ăn, đứa con đầu của Huy mới bảy tuổi đã phải gửi cho vợ chồng tôi nuôi. Tới bây giờ, cháu ở với tôi mà bố nó không chu cấp một đồng nào. Đã thế nó còn gây họa cho gia đình. Sau khi ly dị vợ, Huy ăn ở với một người con gái mà bây giờ là vợ thứ hai. Hai đứa ăn ở có thai buộc tôi phải đi cưới xin. Đám cưới được 7 tháng thì xảy ra chuyện”, bà Sen cho biết.
Theo người mẹ, cưới vợ lần thứ hai, Huy ra ở riêng. Vợ mang thai không đi làm được, mọi chi phí sinh hoạt trong nhà đều trông chờ vào đồng lương của Huy. Nhưng Huy không lo lắng, lại lao vào cờ bạc, cá độ đá bóng. Thiếu tiền thì vay mượn của giang hồ.
“Lúc đó, nó nợ giang hồ tổng cộng 66 triệu đồng. Nhiều lần chủ nợ tìm đến công ty đòi chém, đòi giết. Nó mới bán chiếc xe máy, bán luôn mấy chỉ vàng để dành cho vợ đi sinh nở được 13 triệu. Tôi thêm vào một ít và mượn của bà chủ chỗ nó làm công nhân để thanh toán cho người ta. Mỗi tháng, bà chủ trừ dần vào tiền lương. Thế mà nó chưa sợ, chưa biết chí thú làm ăn”, người mẹ thở dài.
Cũng theo lời kể, Huy tiếp tục vay mượn “xã hội đen” hàng chục triệu đồng để chơi cờ bạc, nhất là số đề. Lại gặp mùa bóng đá, hắn lao vào cá độ. Điện thoại của Huy chủ yếu là tin nhắn của người ghi số đề, của chủ nợ hăm dọa đòi tiền, của những “nhà cái” cá độ đá bóng và tin nhắn tổng đài xổ số.
Cũng theo người mẹ, việc Huy xông vào tiệm vàng để cướp có lẽ là bước đường cùng, không còn cách xoay xở. Trước khi vụ cướp xảy ra 10 ngày, bà thấy phía sau cổ con trai xuất hiện một vết thương dài được khâu chín mũi. Dù Huy nói bị mụn nhọt nhưng bà Sen lại cho rằng do chủ nợ thuê người đến chém.
Bà cho biết, người trong xóm cũng kể mấy ngày trước khi đi cướp, Huy hay lên cầu Rạch Đông (cách nhà chừng 500 m) dựng xe và ngồi một mình đến tận khuya. Bà đoán con trai có ý định tự tử nhưng còn đắn đo vợ con.
Người dân địa phương cho biết, Huy chỉ có tật xấu là cờ bạc, đề đóm, cá độ đá banh, còn lại rất được lòng mọi người. Chàng trai này vốn hiền lành, ốm yếu, chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn với ai và không có tiền án, tiền sự. Dù biết Huy đi cướp tiệm vàng bị công an bắt nhưng hay tin cướp về cho vợ đi sinh, bà con hàng xóm lại thông cảm đến thăm và cho tiền.
“Có mấy người đội mưa đến cho tiền. Mấy ngày nay được vài triệu đồng, tôi để dành đây để mua sữa cho vợ con nó mới sinh và thăm nuôi nó ở trại. Chứ vợ chồng tôi già rồi, làm mấy sào ruộng, không có tiền”, mẹ Huy chia sẻ.
Chỉ tay vào đứa bé đen nhẻm, gầy ốm, bà nói: “Đấy là con gái đầu lòng của Huy với vợ trước. Cháu học lớp 7, từ nhỏ giờ ở với vợ chồng tôi. Huy cũng không cho nó được đồng nào. Thường ngày, cháu đi rửa chén cho quán ăn, được người ta trả cho 700.000 đồng/tháng”.
Bà Sen cho biết do cháu còn nhỏ quá, mỗi ngày bà đều phải rửa chén cùng. Bà hy vọng hết hè sẽ đủ tiền cho cháu mua dụng cụ, quần áo. Còn sách vở, cặp sách thì năm nào địa phương cũng cho.
Còn cha Huy (sinh năm 1950) thì lắc đầu: “Con dại cái mang, đến khổ với nó. Mấy ngày qua, tôi chạy đôn đáo, lên xuống công an để làm thủ tục cho xong. Vợ chồng cũng vài lần xuống dưới tiệm vàng đền tiền kính, năn nỉ người ta làm giấy xin giảm nhẹ hình phạt cho Huy. Người ta cũng đã đồng ý. Nhưng cứ để cho nó ở tù ít lâu mà sáng mắt ra. Chỉ có ở tù, nó mới thay đổi được tính nết, ở ngoài thì còn lâu”.
Theo Pháp Luật Việt Nam
* Tên người thân của Huy đã được thay đổi.