Sau đợt phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải vào đầu năm nay để ngừa Covid-19 lan rộng, Claire Jiang không còn muốn sinh con. Từ tháng Tư đến tháng Năm năm nay, hashtag "chúng tôi là thế hệ cuối cùng" đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Trung Quốc trước khi bị cơ quan chức năng kiểm duyệt. Cụm từ này như xuất hiện sau câu chuyện chính quyền đến nhà một người đàn ông, cảnh cáo gia đình ba thế hệ của anh vì không tuân thủ các quy tắc phòng chống Covid-19.
"Tôi chắc chắn không muốn các con mình phải lo lắng khi sống ở một đất nước mà chính phủ có thể gõ cửa nhà và làm bất cứ điều gì họ muốn", Claire Jiang - người phụ nữ 30 tuổi làm việc trong ngành truyền thông cho biết.
Các nghiên cứu đã chỉ ra đại dịch và sự bất ổn kinh tế trong lịch sử thường làm giảm tỷ lệ sinh trên khắp thế giới. Tuy nhiên với Trung Quốc, tình hình này lại càng nghiêm trọng hơn khi quốc gia kiên định với chính sách "Không Covid", kiểm soát chặt chẽ cuộc sống của người dân, khiến nhiều cặp vợ chồng không muốn sinh con trong thời gian xảy ra đại dịch, theo các nhà nhân khẩu học.
Nhiều người đã bị mất thu nhập, không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc bị chính quyền cưỡng ép đưa người đến trung tâm cách ly, gồm cả người già và trẻ em trong nhiều đợt cách ly ở Thượng Hải và các nơi khác.
Các nhà nhân khẩu học cho biết mọi người có cảm giác mất kiểm soát cuộc sống khi gặp những tình huống trên và điều này gây ảnh hưởng tới quyết định sinh con của mọi người. "Chính sách Không Covid của Trung Quốc đã dẫn đến một nền kinh tế 'zero', trong đó có những người chọn cách sống không hôn nhân, không sinh sản", nhà nhân khẩu học nổi tiếng người Trung Quốc Yi Fuxian cho hay.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng chiến lược "Không Covid" là cần thiết để cứu sống nhiều người dân ở nước này, và chỉ ra con số hàng triệu người tử vong vì Covid-19 trên khắp thế giới, so với chỉ 5.226 trường hợp được báo cáo chính thức ở Trung Quốc kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các chuyên gia LHQ dự đoán dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người vào năm 2050, nhiều hơn ba lần so với dự báo trước đó của họ vào năm 2019.
Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào tháng Bảy, cơ quan này dự đoán dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc bắt đầu giảm vào đầu năm sau, khi Ấn Độ sẽ có thể trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Một báo cáo khác của LHQ cho thấy đại dịch ảnh hưởng lâu dài đến mong muốn có đứa con đầu lòng của phụ nữ, vì họ lo lắng về sự bất ổn tài chính, hoặc nghĩ vaccine sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, và những khó khăn trong việc mang thai cũng như chăm sóc trẻ sơ sinh khi phải thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
Justine Coulson, Đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Trung Quốc, cho biết: "Những cặp từng nghĩ đến việc có con trong năm tới, hiện tạm hoãn kế hoạch này. Những cặp chưa từng nghĩ đến việc này thì quyết định hoãn vô thời hạn".
Các nhà nhân khẩu học cho biết số trẻ mới sinh sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay, dưới 10 triệu so với 10,6 triệu trẻ của năm ngoái - thấp hơn 11,5% so với năm 2020. Các thành phố khác báo cáo số giấy khai sinh mới giảm hai con số. Jiaozhou, thành phố một triệu dân ở tỉnh Sơn Đông, đã giảm 26% số giấy khai sinh trong sáu tháng đầu năm. Hukou, ở tỉnh Giang Tây, đã giảm 42%.
Trung Quốc, quốc gia áp dụng chính sách một con từ năm 1980 đến năm 2015, đã thừa nhận nước này đang trên bờ vực suy thoái nhân khẩu học. Tỷ lệ sinh của nước này là 1,16 vào năm 2021, thấp hơn mức 2,1 tiêu chuẩn của OECD đối với một cộng đồng dân số ổn định và thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.
Trong khoảng hơn một năm trở lại đây, các nhà chức trách Trung Quốc đã thực thi nhiều biện pháp nhằm cải thiện tỷ lệ sinh, trong đó có chính sách khấu trừ thuế cho người có con nhỏ, cho phép phụ nữ nghỉ thai sản lâu hơn, tăng cường bảo hiểm y tế, trợ cấp nhà ở cho các gia đình, trợ cấp cho con thứ ba, trấn áp tình trạng phí dạy thêm đắt đỏ... Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát do tổ chức điều tra dân số YuWa thực hiện, mong muốn có con của phụ nữ Trung Quốc hiện vẫn ở mức thấp nhất trên thế giới.
Các nhà nhân khẩu học cho rằng các biện pháp được thực hiện đến nay vẫn chưa đủ. Theo họ, chi phí giáo dục cao, lương thấp và thời gian làm việc kéo dài, cùng với các chính sách liên quan đến Covid-19 và lo ngại về tăng trưởng kinh tế là những vấn đề vẫn cần được giải quyết.
Hằng Trần (Theo Reuters)