Từ ngày 16/4, số sản phẩm Fanta bị thu hồi khoảng 20.000 chai đã được Coca-Cola VN phân phối trở lại thị trường.
Sử dụng nguyên liệu chưa thông quan
Việc thu hồi sản phẩm Fanta được tiến hành ở khu vực phía Bắc, chủ yếu là ở Hà Nội. Chiều 15/5, bà Đỗ Kim Trung, Trưởng Phòng Truyền thông của Coca-Cola VN, cho biết: "Theo quy trình, một sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm dưới dạng nguyên liệu, khi được nhập về VN phải đưa vào trữ trong kho hải quan. Sau đó hải quan tiến hành giám định, kiểm tra. Quá trình này hoàn tất, cơ quan hải quan mới được phép cho thông quan, nguyên liệu mới được chuyển về nhà máy để đưa vào sản xuất thành phẩm".
Tuy nhiên, đối với Coca-Cola, quy trình này dễ dãi hơn nhiều. Bà Trung giải thích: “Công ty Coca-Cola nhập khẩu nguyên liệu rất nhiều và rất có uy tín (nên nguyên liệu được phép nhập về kho công ty trong khi chờ thông quan). Thêm nữa, diện tích kho của hải quan không đủ lớn nên công ty được phép mang hàng về kho của mình, cô lập trong kho đợi đến khi có giấy phép thông quan thì mới được phép sử dụng”.
Do hai lô hàng để gần nhau (lô đang chờ thông quan và lô đã được phép thông quan), do nhầm lẫn, cán bộ phụ trách hôm đó đã lấy lô hàng chưa có giấy thông quan đưa vào sản xuất. Bà Đỗ Kim Trung khẳng định, đây là trường hợp cá biệt và duy nhất từ trước tới nay của doanh nghiệp này.
Cách giải thích trên liệu có thuyết phục? Tìm hiểu qua một vài đơn vị cùng sản xuất mặt hàng nước ngọt, được biết: Nguồn nguyên liệu chưa thông quan về đơn vị cũng không được phép đưa vào sản xuất ngay mà phải chờ đầy đủ thủ tục theo quy định. Nhiều người tiêu dùng cũng băn khoăn đây không phải là sự cố lần đầu của Coca-Cola VN. Giữa năm 2006, cơ quan chức năng TP HCM cũng đã buộc hãng này tiêu hủy lô nguyên liệu quá hạn sử dụng.
Coca-Cola khẳng định: Không hề có chất tẩy trùng trong sản phẩm
Một trong những lý do để Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm yêu cầu Coca-Cola giải trình việc thu hồi này là cục đã nhận được thông tin lô sản phẩm Fanta bị thu hồi là do có hàm lượng chlorine (có tác dụng tẩy trùng) quá cao, trong khi hàm lượng cho phép là 0.
“Khi nhận được thông tin này, thực sự chúng tôi rất ngạc nhiên”, bà Trung nói, “Phương pháp thử nghiệm cho ra kết quả này như thế nào, công ty cũng chưa được chia sẻ”. Coca-Cola khẳng định, theo hồ sơ kiểm soát chất lượng của Công ty Coca-Cola đối với ca sản xuất lô hàng nói trên, chỉ tiêu chlorine mà Coca-Cola cũng như Nhà nước quy định ở mức 0. Theo bà Trung, công ty đã quyết định thu hồi lô sản phẩm, chờ có giấy phép thông quan mới xuất xưởng tiếp. Việc thu hồi hoàn toàn không liên quan đến vấn đề chất lượng sản phẩm”.
Trái ngược với sự khẳng định này, cách đây ít hôm, ông Lâm Bình Vũ, Giám đốc Kỹ thuật và Chất lượng vùng Đông Dương của Coca-Cola, nói với báo chí rằng, chỉ sau khi sản phẩm xuất hiện trên thị trường 15 ngày, công ty mới tiến hành lấy mẫu sản phẩm ngoài thị trường về kiểm tra, đánh giá chất lượng. Sau đó, mẫu được gửi ra nước ngoài kiểm nghiệm nên đến thời điểm này, kết quả kiểm tra lại chất lượng các sản phẩm bị thu hồi vẫn chưa có!
Vào đầu tháng 8/2006, các bang Gujarat, Madhya Pradesh, Rajasthan, Punjab, Kerala và Karnataka của Ấn Độ đã ra lệnh cấm bán nước giải khát của Coca-Cola và PepsiCo sau khi Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE), trụ sở đặt tại New Delhi, cho biết đã phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu cao trong các sản phẩm của họ. Theo CSE, kết quả thử nghiệm 11 sản phẩm của hai công ty này cho thấy dư lượng thuốc trừ sâu có lúc cao đến 24 lần so với giới hạn.
Cách đây 2 tháng, Bộ Y tế Ấn Độ cũng cho biết có dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm nước giải khát của những hãng như PepsiCo và Coca-Cola. |
(Theo Người Lao Động)